Hệ thống kiểm soát chất lượng và vai trò nhóm kiểm toán
Hệ thống kiểm soát chất lượng và vai trò nhóm kiểm toán
A1. ISQC 1 và các quy định quốc gia tương đương quy định trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán trong việc xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng cho các cuộc kiểm toán. Hệ thống kiểm soát chất lượng bao gồm các chính sách và thủ tục cho các yếu tố sau:
(1) Trách nhiệm của lãnh đạo đối với chất lượng trong doanh nghiệp kiểm toán;
(2) Các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan;
(3) Chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và cuộc kiểm toán cụ thể;
(4) Nguồn nhân lực;
(5) Thực hiện cuộc kiểm toán; và
(6) Giám sát.
Sự tin tưởng vào hệ thống kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán
A2. Trừ khi doanh nghiệp kiểm toán hoặc các bên khác đưa ra thông tin khác, nhóm kiểm toán có thể tin tưởng vào hệ thống kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán liên quan đến, ví dụ :
· Năng lực của cán bộ, nhân viên thông qua quá trình tuyển dụng và đào tạo chính thức;
· Tính độc lập thông qua tích lũy và trao đổi thông tin phù hợp về tính độc lập;
· Duy trì khách hàng thông qua hệ thống chấp nhận và duy trì quan hệ khách hàng;
· Tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan thông qua quá trình giám sát.
Trách nhiệm của lãnh đạo đối với chất lượng hoạt động kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 08)
A3. Để thực hiện trách nhiệm về chất lượng tổng thể của từng cuộc kiểm toán, chủ phần hùn kiểm toán phải có các biện pháp và chỉ đạo phù hợp tới các thành viên khác trong nhóm kiểm toán, trong đó cần nhấn mạnh:
(a) Tầm quan trọng của chất lượng kiểm toán trong việc:
(i) Thực hiện cuộc kiểm toán tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan;
(ii) Tuân thủ các chính sách và thủ tục của doanh nghiệp kiểm toán về kiểm soát chất lượng;
(iii) Phát hành báo cáo kiểm toán phù hợp với tình hình thực tế của cuộc kiểm toán; và
(iv) Nhóm kiểm toán có khả năng nêu ra những vấn đề mà không sợ bị đe dọa; và
(b) Chất lượng là yếu tố thiết yếu khi thực hiện các cuộc kiểm toán.
Các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan
Tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan (Tham chiếu: Đoạn 9)
A4. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của IFAC quy định các nguyên tắc cơ bản về đạo đức nghề nghiệp, gồm:
(a) Tính chính trực;
(b) Tính khách quan;
(c) Năng lực chuyên môn và tính thận trọng;
(d) Tính bảo mật; và
(e) Tư cách nghề nghiệp;
Thuật ngữ “Doanh nghiệp kiểm toán”, “Mạng lưới” và “Công ty mạng lưới” (Tham chiếu: Đoạn 9-11)
A5. Định nghĩa “Doanh nghiệp kiểm toán”, “Mạng lưới” hoặc “Công ty mạng lưới” trong Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của IFAC có thể khác với định nghĩa trong Chuẩn mực này. Ví dụ, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của IFAC định nghĩa “Doanh nghiệp kiểm toán” là:
(a) Một công ty tư nhân, công ty hợp danh hoặc công ty cổ phần tập hợp các kiểm toán viên chuyên nghiệp;
(b) Một đơn vị kiểm soát các đơn vị nêu ở điểm (a) thông qua hình thức sở hữu hoặc các hình thức khác; và
(c) Một đơn vị chịu sự kiểm soát của các đơn vị nêu ở điểm (a) thông qua hình thức sở hữu hoặc các hình thức khác.
Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của IFAC cũng hướng dẫn các thuật ngữ “mạng lưới” và “công ty mạng lưới.”
Để tuân thủ các quy định trong đoạn 9-11, các định nghĩa sử dụng trong các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan sẽ được áp dụng để có thể hiểu được các quy định về đạo đức nghề nghiệp này.
Sự đe dọa đến tính độc lập (Tham chiếu: Đoạn 11(c))
A6. Chủ phần hùn kiểm toán có thể nhận thấy sự đe dọa đến tính độc lập của cuộc kiểm toán mà các biện pháp bảo vệ không thể loại trừ hoặc giảm thiểu sự đe dọa đó xuống mức có thể chấp nhận được. Trường hợp này, như quy định tại đoạn 11(c), chủ phần hùn kiểm toán phải thông báo cho những người phù hợp trong doanh nghiệp kiểm toán để có quyết định hành động thích hợp, bao gồm loại trừ các hành vi hoặc lợi ích làm phát sinh sự đe dọa, hoặc rút khỏi cuộc kiểm toán trong trường hợp pháp luật hoặc các quy định có liên quan cho phép.
Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công
A7. Các biện pháp theo luật định có thể bảo vệ tính độc lập của kiểm toán viên khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các điều khoản ràng buộc pháp lý cụ thể, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi tiến hành kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công với tư cách kiểm toán viên theo luật định cần điều chỉnh phương pháp tiếp cận để tăng cường tính tuân thủ theo quy định tại đoạn 11. Trường hợp quy định về kiểm toán trong lĩnh vực công không cho phép kiểm toán viên rút khỏi cuộc kiểm toán, kiểm toán viên cần thông báo công khai về các tình huống tương tự ngoài lĩnh vực công mà kiểm toán viên phải rút khỏi cuộc kiểm toán.
Chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và hợp đồng kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 12)
A8. ISQC 1 quy định doanh nghiệp kiểm toán phải thu thập các thông tin cần thiết trong từng tình huống cụ thể trước khi chấp nhận một khách hàng mới hoặc khi quyết định việc tiếp tục duy trì quan hệ khách hàng hiện tại và khi cân nhắc việc chấp nhận cung cấp dịch vụ mới cho khách hàng hiện tại.[5] Những thông tin sau hỗ trợ chủ phần hùn kiểm toán khi quyết định chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và hợp đồng kiểm toán:
· Tính chính trực của các chủ sở hữu chính, thành viên chủ chốt của Ban Giám đốc và Ban quản trị;
· Năng lực chuyên môn và khả năng của nhóm kiểm toán trong việc thực hiện cuộc kiểm toán, bao gồm thời gian và các nguồn lực;
· Khả năng của doanh nghiệp kiểm toán và nhóm kiểm toán trong việc tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan;
· Các vấn đề trọng yếu phát sinh trong cuộc kiểm toán năm hiện hành hoặc năm trước và những ảnh hưởng đối với việc duy trì quan hệ khách hàng.
Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công
A9. Đối với cuộc kiểm toán đơn vị trong lĩnh vực công, kiểm toán viên có thể được chỉ định theo các thủ tục do pháp luật quy định. Vì vậy, một số quy định và hướng dẫn về chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và hợp đồng kiểm toán tại đoạn 12, 13 và A8 của Chuẩn mực này có thể không được áp dụng. Tuy nhiên, những thông tin thu được từ các thủ tục nêu trên có thể có giá trị đối với kiểm toán viên khi đánh giá rủi ro và khi thực hiện trách nhiệm báo cáo.
Phân công nhóm kiểm toán
A10. Nhóm kiểm toán có thể có thành viên có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên biệt liên quan đến kế toán, kiểm toán được doanh nghiệp kiểm toán thuê hoặc tuyển dụng để thực hiện các thủ tục kiểm toán cho cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, người có kinh nghiệm như trên sẽ không phải là thành viên nhóm kiểm toán nếu họ chỉ tham gia tư vấn cho nhóm kiểm toán. Các quy định và hướng dẫn về việc tham khảo ý kiến tư vấn được nêu tại đoạn 18, và đoạn A21-A22 của Chuẩn mực này.
A11. Khi xem xét năng lực chuyên môn và khả năng của nhóm kiểm toán, chủ phần hùn kiểm toán cần lưu ý các vấn đề sau:
· Sự am hiểu và kinh nghiệm thực tiễn của nhóm kiểm toán về các cuộc kiểm toán có tính chất và độ phức tạp tương đương thông qua hoạt động đào tạo và tham gia các cuộc kiểm toán trước đó;
· Sự am hiểu các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan;
· Kinh nghiệm chuyên sâu của nhóm kiểm toán, gồm hiểu biết về công nghệ thông tin và lĩnh vực chuyên biệt liên quan đến kế toán, kiểm toán;
· Kiến thức của nhóm kiểm toán về ngành nghề hoạt động của đơn vị được kiểm toán;
· Khả năng của nhóm kiểm toán trong việc đưa ra các xét đoán chuyên môn;
· Sự am hiểu của nhóm kiểm toán về các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán.
Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công
A12. Khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công, theo yêu cầu của pháp luật, kiểm toán viên có thể cần phải có thêm các kỹ năng để thực hiện cuộc kiểm toán như hiểu biết các quy định về báo cáo áp dụng, bao gồm báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khác hoặc báo cáo ra công chúng. Phạm vi kiểm toán trong lĩnh vực công có thể mở rộng, bao gồm kiểm toán một số mặt hoạt động, đánh giá toàn diện tính tuân thủ pháp luật, các quy định hoặc phát hiện và ngăn chặn gian lận và tham nhũng.
Thực hiện cuộc kiểm toán
Hướng dẫn, giám sát và thực hiện (Tham chiếu: Đoạn 15(a))
A13. Hướng dẫn cho nhóm kiểm toán bằng việc thông báo cho các thành viên của nhóm kiểm toán các vấn đề sau đây:
· Trách nhiệm của thành viên nhóm kiểm toán, bao gồm yêu cầu tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan, yêu cầu lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán với thái độ hoài nghi nghề nghiệp như quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 200;[6]
· Trách nhiệm của từng chủ phần hùn khi cuộc kiểm toán có sự tham gia thực hiện của nhiều hơn một chủ phần hùn;
· Mục tiêu của công việc kiểm toán;
· Tính chất ngành nghề kinh doanh của đơn vị được kiểm toán;
· Các vấn đề liên quan đến rủi ro;
· Các khó khăn có thể phát sinh;
· Các thủ tục kiểm toán chi tiết.
Việc thảo luận giữa các thành viên trong nhóm kiểm toán giúp các thành viên ít kinh nghiệm hơn đặt câu hỏi cho các thành viên nhiều kinh nghiệm, qua đó các thông tin có thể được trao đổi một cách thích hợp trong nhóm kiểm toán.
A14. Việc tổ chức làm việc theo nhóm và được đào tạo phù hợp có thể giúp các thành viên ít kinh nghiệm trong nhóm hiểu rõ hơn về mục đích của công việc được giao.
A15. Giám sát cuộc kiểm toán bao gồm các việc sau:
· Theo dõi tiến độ của cuộc kiểm toán;
· Đánh giá năng lực chuyên môn và khả năng của từng thành viên nhóm kiểm toán, bao gồm liệu từng thành viên có đủ thời gian thực hiện công việc, có hiểu rõ các chỉ dẫn, và có thực hiện công việc kiểm toán theo phương pháp đã đề ra hay không;
· Giải quyết các vấn đề quan trọng phát sinh trong cuộc kiểm toán, chú ý đến mức độ ảnh hưởng của vấn đề và điều chỉnh phương pháp kiểm toán một cách thích hợp;
· Xác định các vấn đề cần tham khảo ý kiến tư vấn hoặc cần các thành viên nhiều kinh nghiệm trong nhóm kiểm toán quan tâm trong suốt cuộc kiểm toán.
Soát xét
Trách nhiệm soát xét (Tham chiếu: Đoạn 16)
A16. Theo ISQC 1, các chính sách và thủ tục của doanh nghiệp kiểm toán về trách nhiệm soát xét phải được xây dựng và thực hiện trên nguyên tắc các thành viên nhiều kinh nghiệm phải soát xét công việc của các thành viên ít kinh nghiệm hơn.[7]
A17. Việc soát xét có thể bao gồm những nội dung sau:
· Công việc được thực hiện theo các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan;
· Các vấn đề quan trọng cần được xem xét thêm;
· Việc tham khảo ý kiến tư vấn đã được tiến hành hợp lý và các kết quả tư vấn đã được ghi lại và thực hiện;
· Sự cần thiết phải điều chỉnh nội dung, lịch trình và phạm vi của công việc được thực hiện;
· Công việc được thực hiện phù hợp với các kết luận đạt được và được ghi chép một cách thích hợp;
· Bằng chứng thu thập được đã đầy đủ và thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán; và
· Mục tiêu của cuộc kiểm toán đã đạt được.
Công việc soát xét của chủ phần hùn kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 17)
A18. Chủ phần hùn kiểm toán cần thực hiện soát xét kịp thời tại từng giai đoạn của cuộc kiểm toán để giải quyết kịp thời và thỏa đáng các vấn đề quan trọng trước ngày lập báo cáo kiểm toán. Các nội dung cần soát xét gồm:
· Các vấn đề quan trọng đòi hỏi phải xét đoán, đặc biệt là các vấn đề phức tạp hoặc dễ gây tranh cãi được phát hiện trong cuộc kiểm toán;
· Các rủi ro đáng kể; và
· Các vấn đề khác mà chủ phần hùn kiểm toán xác định là quan trọng.
Chủ phần hùn kiểm toán không cần soát xét tất cả hồ sơ kiểm toán, trừ khi thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định tại đoạn 9(c) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 230, chủ phần hùn phải ghi lại rõ phạm vi và thời gian thực hiện soát xét.[8]
A19. Trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán, nếu chủ phần hùn kiểm toán thay thế một chủ phần hùn khác đã phụ trách cuộc kiểm toán thì thành viên mới này có thể áp dụng các thủ tục soát xét hướng dẫn tại đoạn A18 để soát xét công việc đã thực hiện tới ngày thay thế nhân sự.
Lưu ý khi sử dụng một thành viên trong nhóm kiểm toán có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên biệt liên quan đến kế toán, kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 15-17)
A20. Khi sử dụng một thành viên trong nhóm kiểm toán có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên biệt liên quan đến kế toán, kiểm toán thì việc hướng dẫn, giám sát và soát xét công việc của thành viên đó gồm:
· Thống nhất với thành viên đó về nội dung, phạm vi và mục tiêu công việc cần thực hiện và vai trò của thành viên đó trong nhóm, cũng như nội dung, lịch trình và phạm vi trao đổi thông tin giữa thành viên đó với các thành viên còn lại của nhóm kiểm toán;
· Đánh giá mức độ đầy đủ của công việc mà thành viên đó thực hiện bao gồm tính phù hợp và hợp lý của các phát hiện hoặc kết luận mà thành viên đó đưa ra và sự nhất quán của các phát hiện hoặc kết luận đó với các bằng chứng kiểm toán khác.
Tham khảo ý kiến tư vấn (Tham chiếu: Đoạn 18)
A21. Việc tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia trong hoặc ngoài doanh nghiệp kiểm toán về các vấn đề quan trọng liên quan đến kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp, các vấn đề khác sẽ có hiệu quả khi những chuyên gia tư vấn này:
· Được cung cấp tất cả thông tin phù hợp để có thể đưa ra ý kiến tư vấn; và
· Có kiến thức, thâm niên và kinh nghiệm phù hợp.
A22. Nhóm kiểm toán có thể tham khảo ý kiến tư vấn từ bên ngoài doanh nghiệp kiểm toán nếu doanh nghiệp kiểm toán không có nguồn lực nội bộ thích hợp. Nhóm kiểm toán có thể sử dụng dịch vụ tư vấn của doanh nghiệp kiểm toán khác, tổ chức nghề nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức thương mại cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng phù hợp.
Soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán
Hoàn thành việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán trước ngày lập báo cáo kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 19(c))
A23. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 700 quy định báo cáo kiểm toán không được lập trước ngày kiểm toán viên thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính.[9] Trường hợp kiểm toán báo cáo tài chính của tổ chức niêm yết hoặc khi cuộc kiểm toán cần phải được soát xét kiểm soát chất lượng thì việc soát xét này sẽ hỗ trợ kiểm toán viên xác định xem đã thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp hay chưa.
A24. Thực hiện soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán kịp thời tại các giai đoạn thích hợp của cuộc kiểm toán giúp giải quyết kịp thời và thỏa đáng các vấn đề quan trọng trước ngày lập báo cáo kiểm toán.
A25. Hoàn thành việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán có nghĩa là người soát xét việc kiểm soát chất lượng thực hiện đầy đủ các quy định tại đoạn 20-21 và tuân thủ quy định tại đoạn 22, nếu cần thiết. Hồ sơ ghi chép việc soát xét kiểm soát chất lượng có thể được hoàn thành sau ngày lập báo cáo kiểm toán, như một phần của hồ sơ kiểm toán cuối cùng. Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 230 quy định và hướng dẫn về vấn đề này.[10]
Nội dung, phạm vi và lịch trình thực hiện việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 20)
A26. Chủ phần hùn phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán cần duy trì cảnh giác về các thay đổi trong quá trình kiểm toán để phát hiện các tình huống yêu cầu thực hiện việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán, mặc dù vào thời điểm bắt đầu cuộc kiểm toán thì yêu cầu này chưa được xác định là cần thiết.
A27. Phạm vi của việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như độ phức tạp của cuộc kiểm toán, đơn vị được kiểm toán là tổ chức niêm yết và rủi ro đưa ra ý kiến kiểm toán không phù hợp. Soát xét việc kiểm soát chất lượng không làm giảm bớt trách nhiệm của chủ phần hùn đối với cuộc kiểm toán và việc thực hiện cuộc kiểm toán.
Soát xét việc kiểm soát chất lượng đối với cuộc kiểm toán tổ chức niêm yết (Tham chiếu: Đoạn 21)
A28. Những vấn đề khác liên quan đến việc đánh giá các xét đoán quan trọng của nhóm kiểm toán có thể được xem xét trong quá trình soát xét việc kiểm soát chất lượng đối với cuộc kiểm toán tổ chức niêm yết, gồm:
· Các rủi ro đáng kể phát hiện trong cuộc kiểm toán theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 315,[11] và các biện pháp được nhóm kiểm toán áp dụng theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 330,[12] kể cả đánh giá của nhóm kiểm toán và các biện pháp xử lý đối với rủi ro có gian lận theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240;[13]
· Các xét đoán được đưa ra, đặc biệt là xét đoán về mức trọng yếu và rủi ro đáng kể;
· Mức độ quan trọng yếu và xu hướng của các sai sót đã được điều chỉnh và chưa được điều chỉnh phát hiện trong cuộc kiểm toán;
· Các vấn đề được trao đổi với Ban Giám đốc và Ban quản trị của đơn vị được kiểm toán và các bên khác như cơ quan quản lý, nếu cần thiết.
Tùy vào hoàn cảnh cụ thể, các vấn đề nêu trên cũng có thể áp dụng cho soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị khác.
Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Tham chiếu: Đoạn 20-21)
A29. Ngoài việc soát xét kiểm soát chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính các tổ chức niêm yết, một số cuộc kiểm toán khác cùng cần được soát xét việc kiểm soát chất lượng theo quy định của doanh nghiệp kiểm toán. Trong một số trường hợp, không có cuộc kiểm toán nào của doanh nghiệp kiểm toán đáp ứng đủ các tiêu chí để phải thực hiện việc soát xét.
Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công (Tham chiếu: Đoạn 20-21)
A30. Khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công, một kiểm toán viên được pháp luật chỉ định (ví dụ, Tổng kiểm toán, hoặc cá nhân khác có năng lực phù hợp được chỉ định thay mặt cho Tổng kiểm toán) có thể giữ vai trò tương đương với chủ phần hùn kiểm toán và có trách nhiệm tổng thể đối với cuộc kiểm toán. Khi đó, việc lựa chọn người soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán cần lưu ý đến yêu cầu về tính độc lập đối với đơn vị được kiểm toán và khả năng đưa ra đánh giá khách quan của người soát xét.
A31. Các tổ chức niêm yết như đề cập trong đoạn 21 và A28 không phổ biến trong khu vực công. Tuy nhiên, có thể có những doanh nghiệp công được xem là quan trọng do quy mô, độ phức tạp hoặc có liên quan đến lợi ích công chúng, nên có nhiều cá nhân hoặc tổ chức quan tâm đến doanh nghiệp, như các công ty nhà nước, các công ty cung cấp dịch vụ công cộng. Quá trình chuyển đổi liên tục trong lĩnh vực công cũng có thể làm xuất hiện những loại hình doanh nghiệp quan trọng mới. Không có tiêu chuẩn cố định nào làm cơ sở quyết định mức độ quan trọng của đơn vị trong lĩnh vực công. Tuy nhiên, khi kiểm toán đơn vị trong lĩnh vực công, kiểm toán viên cần đánh giá tầm quan trọng của đơn vị đó để quyết định thực hiện việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán.
Giám sát (Tham chiếu: Đoạn 23)
A32. ISQC 1 yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán xây dựng một quy trình giám sát để có sự đảm bảo hợp lý rằng các thủ tục và chính sách về hệ thống kiểm soát chất lượng là phù hợp, đầy đủ và có hiệu quả.[14]
A33. Khi xem xét các khiếm khuyết có thể ảnh hưởng đến cuộc kiểm toán, chủ phần hùn kiểm toán có thể tham khảo đến các thủ tục mà doanh nghiệp kiểm toán thực hiện để khắc phục các khiếm khuyết này mà chủ phần hùn kiểm toán cho là phù hợp với hoàn cảnh cuộc kiểm toán.
A34. Một khiếm khuyết trong hệ thống kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán không đồng nghĩa với việc một cuộc kiểm toán nào đó không được thực hiện theo các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan, hoặc cũng không có nghĩa báo cáo kiểm toán là không phù hợp.
Tài liệu, hồ sơ kiểm toán
Ghi chép về việc tham khảo ý kiến tư vấn (Tham chiếu: Đoạn 24(d))
A35. Việc ghi chép đầy đủ và chi tiết về các vấn đề phức tạp hoặc dễ gây tranh cãi đã được tham khảo ý kiến tư vấn giúp kiểm toán viên hiểu về:
· Vấn đề đã tham khảo ý kiến tư vấn;
· Kết quả tư vấn, bao gồm các quyết định được đưa ra, cơ sở của quyết định đó và cách thức thực hiện
Trả lời