Hình thành ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính

Hình thành ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính

10. Kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán về việc liệu báo cáo tài chính có được lập phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, trên tất cả các khía cạnh trọng yếu hay không.[7] [8]

11. Để đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải kết luận liệu kiểm toán viên đã đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có còn chứa đựng những sai sót trọng yếu, do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không. Kết luận đó cần tính đến:

(a) Kết luận của kiểm toán viên, theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 330, về việc liệu đã thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp hay chưa;[9]

(b) Kết luận của kiểm toán viên, theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 450, về việc liệu những sai sót chưa được điều chỉnh, khi xét riêng lẻ hoặc tổng thể, có trọng yếu hay không;[10]

(c) Những đánh giá được nêu trong các đoạn 12-15.

12. Kiểm toán viên phải đánh giá liệu báo cáo tài chính có được lập phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, trên tất cả các khía cạnh trọng yếu hay không. Đánh giá này bao gồm cả việc xem xét các khía cạnh định tính của các công việc kế toán của đơn vị được kiểm toán, kể cả các dấu hiệu về sự thiên lệch trong các xét đoán của Ban Giám đốc (Tham chiếu: Đoạn A1-A3).

13. Đặc biệt, khi xem xét các quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, kiểm toán viên phải đánh giá xem liệu:

(a) Báo cáo tài chính có thuyết minh đầy đủ các chính sách kế toán quan trọng được lựa chọn và áp dụng hay không;

(b) Các chính sách kế toán được lựa chọn và áp dụng có nhất quán với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng và có thích hợp hay không;

(c) Các ước tính kế toán do Ban Giám đốc đưa ra có hợp lý hay không;

(d) Các thông tin được trình bày trong báo cáo tài chính có phù hợp, đáng tin cậy, dễ hiểu và có thể so sánh được hay không;

(e) Báo cáo tài chính có cung cấp đầy đủ các thuyết minh giúp người sử dụng báo cáo tài chính hiểu được ảnh hưởng của các giao dịch và sự kiện trọng yếu đối với các thông tin được trình bày trong báo cáo tài chính hay không (Tham chiếu: Đoạn A4);

(f) Các thuật ngữ được sử dụng trong báo cáo tài chính, bao gồm tiêu đề của từng báo cáo tài chính có thích hợp hay không.

14. Khi báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về trình bày hợp lý, việc đánh giá theo quy định tại đoạn 12-13 còn phải bao gồm đánh giá liệu báo cáo tài chính có được trình bày hợp lý hay không. Kiểm toán viên phải đánh giá việc này bằng cách xem xét:

(a) Cách trình bày, cấu trúc và nội dung tổng thể của các báo cáo tài chính; và

(b) Liệu các báo cáo tài chính, bao gồm các thuyết minh liên quan, có phản ánh các giao dịch và sự kiện chủ yếu để đạt được mục tiêu trình bày hợp lý hay không.

15. Kiểm toán viên phải đánh giá xem liệu báo cáo tài chính có tham chiếu đến hay mô tả đầy đủ khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không (Tham chiếu: Đoạn A5-A10).

Dạng ý kiến kiểm toán

16. Kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần khi kiểm toán viên kết luận rằng báo cáo tài chính được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.

17. Nếu kiểm toán viên:

(a) Kết luận dựa trên bằng chứng kiểm toán thu thập được rằng báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể còn chứa đựng sai sót trọng yếu; hoặc

(b) Không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra kết luận rằng báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể không còn chứa đựng sai sót trọng yếu,

thì kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần trong báo cáo kiểm toán theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 705.

18. Nếu báo cáo tài chính được lập theo các quy định của khuôn khổ về trình bày hợp lý không đạt được mục tiêu trình bày hợp lý, kiểm toán viên phải thảo luận vấn đề này với Ban Giám đốc và, dựa vào các yêu cầu của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng và cách thức vấn đề được giải quyết, kiểm toán viên phải quyết định xem liệu có cần đưa ra ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần trong báo cáo kiểm toán theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 705 hay không (Tham chiếu: Đoạn A11).

19. Khi báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về tuân thủ, kiểm toán viên không cần phải đánh giá liệu báo cáo tài chính có được trình bày hợp lý hay không. Tuy nhiên, nếu trong những trường hợp hãn hữu, kiểm toán viên kết luận rằng các báo cáo tài chính đó gây hiểu sai, kiểm toán viên phải thảo luận vấn đề đó với Ban Giám đốc và, dựa vào cách thức vấn đề được giải quyết, kiểm toán viên phải quyết định liệu có cần phải trình bày vấn đề này trong báo cáo kiểm toán hay không, và nếu có thì trình bày như thế nào (Tham chiếu: Đoạn A12).

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *