Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên

Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên

11. Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên khi thực hiện một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính là:

(a) Đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không, từ đó giúp kiểm toán viên đưa ra ý kiến về việc liệu báo cáo tài chính có được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không;

(b) Lập báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính và trao đổi thông tin theo quy định của chuẩn mực kiểm toán quốc tế, phù hợp với các phát hiện của kiểm toán viên.

12. Trong trường hợp không thể đạt được sự đảm bảo hợp lý và ý kiến kiểm toán dạng ngoại trừ là chưa đủ để cung cấp thông tin cho người sử dụng báo cáo tài chính dự kiến thì chuẩn mực kiểm toán quốc tế yêu cầu kiểm toán viên phải từ chối đưa ra ý kiến hoặc rút khỏi (hoặc từ chức)[3] cuộc kiểm toán theo pháp luật và các quy định có liên quan.

Giải thích thuật ngữ

13. Trong các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

(a) Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng: Là khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị đơn vị áp dụng trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính, có thể chấp nhận được phù hợp với đặc điểm của đơn vị được kiểm toán và mục đích của báo cáo tài chính, hoặc do yêu cầu của pháp luật và các quy định.

Thuật ngữ “khuôn khổ về trình bày hợp lý” được sử dụng để chỉ khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính mà trước hết yêu cầu phải tuân thủ các quy định của khuôn khổ đó, và:

(i) Thừa nhận rõ ràng hoặc ngầm ẩn rằng, để đạt được sự trình bày hợp lý của báo cáo tài chính, Ban Giám đốc có thể phải thuyết minh nhiều hơn so với các quy định cụ thể của khuôn khổ đó, hoặc;

(ii) Thừa nhận rõ ràng rằng Ban Giám đốc có thể thực hiện khác với một hoặc một số yêu cầu của khuôn khổ để đạt được mục đích trình bày báo cáo tài chính một cách hợp lý. Những trường hợp như vậy được coi là cần thiết chỉ trong một số rất ít tình huống.

Thuật ngữ “khuôn khổ về tuân thủ” được sử dụng để chỉ khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính mà yêu cầu phải tuân thủ các quy định của khuôn khổ đó nhưng không bao gồm việc thừa nhận các điểm (i) hoặc (ii) trên đây.

(b) Bằng chứng kiểm toán: Là thông tin do kiểm toán viên sử dụng nhằm đưa ra các kết luận làm cơ sở hình thành ý kiến kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán bao gồm cả thông tin chứa đựng trong các tài liệu, sổ kế toán là thông tin cơ sở cho báo cáo tài chính và những thông tin khác. Trong chuẩn mực kiểm toán quốc tế:

(i) Tính đầy đủ của bằng chứng kiểm toán: Là tiêu chuẩn đánh giá về số lượng bằng chứng kiểm toán. Số lượng bằng chứng kiểm toán cần thu thập chịu ảnh hưởng bởi đánh giá của kiểm toán viên đối với rủi ro có sai sót trọng yếu và chất lượng của mỗi bằng chứng kiểm toán.

(ii) Tính thích hợp của bằng chứng kiểm toán: Là tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng của các bằng chứng kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán phải đảm bảo phù hợp và đáng tin cậy để hỗ trợ cho kiểm toán viên đưa ra các kết luận làm cơ sở hình thành ý kiến kiểm toán.

(c) Rủi ro kiểm toán: Là rủi ro do kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán không phù hợp khi báo cáo tài chính còn chứa đựng sai sót trọng yếu. Rủi ro kiểm toán là hệ quả của rủi ro có sai sót trọng yếu và rủi ro phát hiện.

(d) Kiểm toán viên: Là những người thực hiện cuộc kiểm toán, gồm chủ phần hùn kiểm toán và các thành viên khác trong nhóm kiểm toán hoặc trong một số trường hợp dùng thay cho doanh nghiệp kiểm toán. Khi chuẩn mực kiểm toán quốc tế quy định một trách nhiệm nào đó của chủ phần hùn kiểm toán, thuật ngữ “chủ phần hùn kiểm toán” được dùng thay cho thuật ngữ “kiểm toán viên”. Khi áp dụng trong lĩnh vực công, “Chủ phần hùn kiểm toán” và “doanh nghiệp kiểm toán” được thay thế bằng các thuật ngữ tương ứng khác.

(e) Rủi ro phát hiện: Là rủi ro mà các thủ tục mà kiểm toán viên thực hiện nhằm làm giảm rủi ro kiểm toán xuống tới mức thấp có thể chấp nhận được nhưng vẫn không phát hiện được hết các sai sót trọng yếu khi xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại.

(f) Báo cáo tài chính: Là sự trình bày một cách hệ thống về các thông tin tài chính quá khứ, bao gồm các thuyết minh có liên quan, với mục đích công bố thông tin về các nguồn lực kinh tế hoặc các nghĩa vụ của đơn vị tại một thời điểm hoặc những thay đổi trong một thời kỳ, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính. Các thuyết minh liên quan thông thường là phần tóm tắt các chính sách kế toán quan trọng và các thông tin diễn giải khác. Thuật ngữ “báo cáo tài chính” thường có nghĩa là một bộ báo cáo tài chính đầy đủ theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, nhưng cũng có thể có nghĩa là một báo cáo tài chính riêng lẻ.

(g) Thông tin tài chính quá khứ: Là thông tin được trình bày bằng thuật ngữ tài chính liên quan đến một đơn vị cụ thể, phát sinh chủ yếu từ hệ thống kế toán của đơn vị, phản ánh các sự kiện kinh tế đã xảy ra trong các kỳ trước hoặc các điều kiện kinh tế tại một thời điểm trong quá khứ.

(h) Ban Giám đốc: Là những người có trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Đối với một số đơn vị tại một số quốc gia, Ban Giám đốc có thể bao gồm toàn bộ hoặc một số thành viên trong Ban quản trị của đơn vị, ví dụ Giám đốc đồng thời là thành viên Ban quản trị, hoặc chủ sở hữu đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp.

(i) Sai sót: Là sự khác biệt giữa giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh của một khoản mục trên báo cáo tài chính với giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh của khoản mục đó theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng. Sai sót có thể phát sinh do nhầm lẫn hoặc gian lận.

Khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến về việc liệu báo cáo tài chính đã được trình bày hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, hay có phản ánh trung thực và hợp lý, sai sót có thể bao gồm những điều chỉnh về giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh mà theo xét đoán của kiểm toán viên là cần thiết để báo cáo tài chính được trình bày hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, hoặc phản ánh trung thực và hợp lý.

(j) Cơ sở để tiến hành cuộc kiểm toán liên quan đến trách nhiệm của Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán: Là việc Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị phải hiểu và thừa nhận rằng để làm cơ sở cho việc thực hiện một cuộc kiểm toán theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế thì Ban Giám đốc và Ban quản trị có trách nhiệm:

(i) Đối với việc lập báo cáo tài chính phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, bao gồm cả sự trình bày hợp lý;

(ii) Đối với kiểm soát nội bộ mà Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị xác định là cần thiết để đảm bảo cho việc lập báo cáo tài chính không còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn;

(iii) Trong việc cung cấp cho kiểm toán viên:

a. Quyền tiếp cận với tất cả thông tin mà Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị nhận thấy là có liên quan đến quá trình lập báo cáo tài chính như chứng từ kế toán, sổ kế toán và tài liệu khác;

b. Các thông tin bổ sung mà kiểm toán viên yêu cầu từ Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị để phục vụ cho mục đích của cuộc kiểm toán;

c. Quyền tiếp cận không hạn chế đối với nhân sự của đơn vị được kiểm toán mà kiểm toán viên xác định là cần thiết để thu thập bằng chứng kiểm toán.

Trong trường hợp áp dụng khuôn khổ về trình bày hợp lý, điểm (i) ở trên có thể được viết lại là “đối với việc lập và trình bày hợp lý báo cáo tài chính phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính”, hoặc “đối với việc lập báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính”.

Cụm từ “Cơ sở để tiến hành cuộc kiểm toán liên quan đến trách nhiệm của Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị” có thể được gọi tắt là “cơ sở”.

(k) Xét đoán chuyên môn: Là sự vận dụng các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm phù hợp về kế toán, kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp để đưa ra quyết định về các hành động phù hợp trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán.

(l) Thái độ hoài nghi nghề nghiệp: Là thái độ luôn nghi vấn, cảnh giác đối với những tình huống cụ thể có thể là dấu hiệu của sai sót do nhầm lẫn hay do gian lận, và đánh giá mang tính phê bình đối với các bằng chứng kiểm toán.

(m) Đảm bảo hợp lý: Trong bối cảnh của cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, đảm bảo hợp lý là sự đảm bảo ở mức độ cao nhưng không phải là tuyệt đối.

(n) Rủi ro có sai sót trọng yếu: Là rủi ro khi báo cáo tài chính chứa đựng những sai sót trọng yếu trước khi kiểm toán. Tại cấp độ cơ sở dẫn liệu, rủi ro có sai sót trọng yếu bao gồm hai bộ phận:

(i) Rủi ro tiềm tàng: Là khả năng cơ sở dẫn liệu của một nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh có thể chứa đựng sai sót trọng yếu, khi xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, trước khi xem xét đến bất kỳ kiểm soát nào có liên quan.

(ii) Rủi ro kiểm soát: Là rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu, khi xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, đối với cơ sở dẫn liệu của một nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh mà kiểm soát nội bộ của đơn vị không thể ngăn chặn hoặc không phát hiện và sửa chữa kịp thời.

(o) Ban quản trị: Là một nhóm người (ví dụ, Hội đồng quản trị công ty) có trách nhiệm giám sát định hướng chiến lược và các nghĩa vụ giải trình, kể cả trách nhiệm giám sát việc lập và trình bày báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán. Đối với một số đơn vị tại một số quốc gia, Ban quản trị có thể bao gồm cả các thành viên Ban Giám đốc, ví dụ thành viên Ban Giám đốc đồng thời là thành viên Ban quản trị của một doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân, hoặc chủ sở hữu đồng thời là giám đốc đơn vị.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *