Những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán
Những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán
A45. Kiểm toán viên không thể loại trừ hoàn toàn rủi ro kiểm toán và không thể đạt được sự đảm bảo tuyệt đối về việc báo cáo tài chính hoàn toàn không có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn. Cuộc kiểm toán luôn có những hạn chế vốn có làm cho hầu hết các bằng chứng kiểm toán mà kiểm toán viên dựa vào để đưa ra kết luận và hình thành ý kiến kiểm toán đều mang tính thuyết phục nhiều hơn là tính khẳng định chắc chắn. Những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán bắt nguồn từ:
· Bản chất của việc lập và trình bày báo cáo tài chính;
· Bản chất của các thủ tục kiểm toán;
· Sự cần thiết phải thực hiện cuộc kiểm toán với thời gian và giá phí hợp lý.
Bản chất của việc lập và trình bày báo cáo tài chính
A46. Việc lập và trình bày báo cáo tài chính gồm các xét đoán của Ban Giám đốc trong việc áp dụng các quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính vào hoàn cảnh thực tế của đơn vị. Ngoài ra, nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính liên quan đến các quyết định hoặc đánh giá chủ quan hoặc có mức độ không chắc chắn, hoặc có có những cách hiểu hoặc xét đoán khác nhau đều có thể chấp nhận được. Kết quả là một số khoản mục trên báo cáo tài chính có mức độ biến động nhất định, không thể loại trừ hoàn toàn bằng việc áp dụng các thủ tục kiểm toán bổ sung, như trường hợp của một số ước tính kế toán nhất định. Tuy nhiên, chuẩn mực kiểm toán quốc tế yêu cầu kiểm toán viên xem xét tính phù hợp của các ước tính kế toán đối với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng và các thuyết minh liên quan, đồng thời xem xét khía cạnh định tính trong công việc kế toán của đơn vị được kiểm toán, bao gồm các dấu hiệu về sự thiên lệch (nếu có) trong các xét đoán của Ban Giám đốc.[20]
Bản chất của các thủ tục kiểm toán
A47. Khả năng thu thập bằng chứng kiểm toán của kiểm toán viên bị giới hạn bởi tình hình thực tế hoặc giới hạn pháp lý, như:
· Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán hoặc đối tượng khác có thể cố ý hoặc vô ý không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính hoặc thông tin mà kiểm toán viên yêu cầu. Do đó, kiểm toán viên không thể chắc chắn về tính đầy đủ của thông tin, ngay cả khi kiểm toán viên đã thực hiện các thủ tục kiểm toán để đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng các thông tin có liên quan đã được thu thập đầy đủ.
· Hành vi gian lận có thể được thực hiện tinh vi và kỹ lưỡng để che dấu. Các thủ tục kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán có thể không phát hiện hết sai sót cố ý như việc thông đồng để làm giả chứng từ, làm cho kiểm toán viên tin rằng bằng chứng kiểm toán đó là hợp lệ. Kiểm toán viên không được đào tạo để làm chuyên gia xác minh chứng từ giả mạo.
· Mỗi cuộc kiểm toán không phải là một cuộc điều tra hoặc thanh tra về các sai phạm. Kiểm toán viên không có quyền điều tra, thanh tra, xét hỏi, khám xét như cuộc điều tra của cơ quan pháp luật.
Tính kịp thời của báo cáo tài chính và sự cân đối giữa lợi ích và chi phí
A48. Kiểm toán viên không được phép dựa vào sự phức tạp của vấn đề, thời gian hay chi phí để bỏ qua một thủ tục kiểm toán mà không có có thủ tục khác thay thế hoặc hài lòng với bằng chứng kiểm toán không đủ sức thuyết phục. Việc lập kế hoạch kiểm toán một cách phù hợp sẽ giúp kiểm toán viên có đủ thời gian và nguồn lực để tiến hành cuộc kiểm toán. Sự thích hợp của thông tin, giá trị của thông tin có xu hướng giảm đi theo thời gian và cần cân nhắc sự cân đối giữa độ tin cậy của thông tin với chi phí bỏ ra để có được thông tin đó. Điều này được ghi nhận trong một số khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính nhất định (ví dụ, khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính của IASB). Người sử dụng báo cáo tài chính mong muốn kiểm toán viên đưa ra báo cáo kiểm toán trong khoảng thời gian và giá phí hợp lý, với nhận thức rằng kiểm toán viên không thể xem xét tất cả các thông tin có thể hiện hữu hoặc không thể tìm hiểu tất cả các vấn đề một cách thấu đáo, tường tận dựa trên giả định rằng thông tin đó bị nhầm lẫn hay gian lận cho đến khi chứng minh được điều ngược lại.
A49. Do đó, kiểm toán viên cần:
· Lập kế hoạch kiểm toán để đảm bảo cuộc kiểm toán được thực hiện một cách hiệu quả;
· Tập trung nguồn lực kiểm toán vào những phần hành mà kiểm toán viên cho rằng chứa đựng nhiều rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn và ít tập trung hơn vào các phần hành còn lại;
· Sử dụng các thử nghiệm và biện pháp khác để kiểm tra tổng thể nhằm phát hiện sai sót.
A50. Để làm rõ các phương pháp đã nêu ở đoạn A49, chuẩn mực kiểm toán quốc tế đưa ra các yêu cầu về lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán và yêu cầu kiểm toán viên phải:
· Thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro và các thủ tục liên quan để làm cơ sở xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu;[21]
· Sử dụng các thử nghiệm và biện pháp khác để kiểm tra tổng thể nhằm cung cấp cơ sở hợp lý cho kiểm toán viên đưa ra kết luận về tổng thể.[22]
Các vấn đề khác ảnh hưởng đến hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán
A51. Đối với một số cơ sở dẫn liệu nhất định hoặc vấn đề chủ yếu, các hạn chế vốn có có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phát hiện sai sót trọng yếu của kiểm toán viên. Các cơ sở dẫn liệu hoặc vấn đề chủ yếu này bao gồm:
· Gian lận, đặc biệt là gian lận có liên quan đến Ban Giám đốc hoặc có sự thông đồng. Xem Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240)
· Tính hiện hữu và đầy đủ của các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Xem Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 550[23];
· Hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định. Xem Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 250[24];
· Các sự kiện hoặc điều kiện trong tương lai có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán. Xem Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 570[25].
Các chuẩn mực kiểm toán quốc tế có liên quan quy định và hướng dẫn các thủ tục kiểm toán giúp kiểm toán viên làm giảm ảnh hưởng của các hạn chế vốn có.
A52. Do hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán, mặc dù cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, kiểm toán viên vẫn không thể tránh khỏi rủi ro về việc sẽ không phát hiện được một số sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính. Rủi ro có sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính do gian lận hoặc do nhầm lẫn được phát hiện sau đó không phải là dấu hiệu về việc cuộc kiểm toán đã không được thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Kiểm toán viên không được sử dụng các hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán để biện hộ cho việc kiểm toán viên đã hài lòng với các bằng chứng kiểm toán chưa đủ thuyết phục. Để xác định cuộc kiểm toán có được thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế hay không, cần dựa vào các thủ tục kiểm toán được thực hiện trong hoàn cảnh cụ thể, tính đầy đủ và thích hợp của các bằng chứng kiểm toán đã thu thập và sự phù hợp của báo cáo kiểm toán trên cơ sở đánh giá các bằng chứng đó trong mối quan hệ với mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên.
Trả lời