NHỮNG THỦ TỤC KIỂM TOÁN ĐỐI VỚI RỦI RO CÓ SAI SÓT TRỌNG YẾU DO GIAN LẬN
NHỮNG THỦ TỤC KIỂM TOÁN ĐỐI VỚI RỦI RO CÓ SAI SÓT TRỌNG YẾU DO GIAN LẬN
Phụ lục này đưa ra các ví dụ về những thủ tục kiểm toán đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã được đánh giá, xuất phát từ việc lập báo cáo tài chính gian lận hoặc biển thủ tài sản. Không phải toàn bộ các thủ tục nêu sau đây đều phù hợp với mọi tình huống của cuộc kiểm toán. Đồng thời, thứ tự sắp xếp của các thủ tục không nhằm phản ánh tầm quan trọng của các thủ tục đó.
Xem xét ở cấp độ cơ sở dẫn liệu
Biện pháp xử lý cụ thể của kiểm toán viên đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã đánh giá sẽ khác nhau tùy theo loại hoặc tổng hợp các yếu tố hoặc điều kiện dẫn đến rủi ro xác định được, và các nhóm giao dịch, số dư tài khoản, thuyết minh và các cơ sở dẫn liệu có thể bị ảnh hưởng.
Ví dụ về các biện pháp xử lý cụ thể:
· Đến thăm hiện trường hoặc thực hiện một vài thủ tục kiểm tra đột xuất hoặc không thông báo trước. Ví dụ, quan sát kiểm kê hàng tồn kho ở những địa điểm không được thông báo trước về sự tham gia của kiểm toán viên hoặc kiểm kê đột xuất tiền mặt tại một ngày cụ thể;
· Yêu cầu kiểm kê hàng tồn kho tại cuối kỳ kế toán hoặc tại ngày gần thời điểm cuối kỳ để giảm thiểu rủi ro thay đổi số dư trong giai đoạn giữa ngày kết thúc kiểm kê và ngày kết thúc kỳ kế toán;
· Điều chỉnh phương pháp kiểm toán trong năm hiện tại. Ví dụ, liên hệ để nói chuyện trực tiếp với các khách hàng và nhà cung cấp chính ngoài những liên hệ bằng văn bản như gửi thư xác nhận, gửi đề nghị xác nhận cho một bên cụ thể trong một tổ chức, hoặc tìm kiếm thêm thông tin dưới hình thức khác;
· Thực hiện rà soát chi tiết đối với những bút toán điều chỉnh cuối quý hoặc cuối kỳ và kiểm tra những bút toán có vẻ bất thường về bản chất hoặc giá trị;
· Điều tra khả năng các bên liên quan và nguồn tài chính hỗ trợ cho những giao dịch có giá trị lớn và bất thường, nhất là những giao dịch diễn ra gần hoặc tại thời điểm cuối kỳ kế toán;
· Thực hiện thủ tục phân tích cơ bản bằng cách sử dụng các số liệu được phân theo loại. Ví dụ, so sánh doanh thu bán hàng và giá vốn hàng bán theo địa điểm, theo dòng sản phẩm hoặc theo tháng với số liệu do kiểm toán viên dự kiến;
· Phỏng vấn các nhân viên tham gia vào những lĩnh vực đã xác định được rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận để thu thập ý kiến của họ về rủi ro, khả năng và cách thức mà các kiểm soát có thể xác định được rủi ro;
· Thảo luận với kiểm toán độc lập khác (nếu có) đang thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của một hoặc nhiều công ty con, bộ phận hoặc chi nhánh về phạm vi công việc cần thiết để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã đánh giá từ các giao dịch hoặc hoạt động giữa những đơn vị thành viên này;
· Nếu công việc của chuyên gia trở nên đặc biệt quan trọng đối với khoản mục trên báo cáo tài chính có mức độ rủi ro có sai sót do gian lận được đánh giá là cao thì kiểm toán viên cần thực hiện các thủ tục bổ sung liên quan đến một hoặc tất cả các giả thiết, phương pháp hay phát hiện của chuyên gia để xác định rằng các giả thiết, phương pháp hay phát hiện đó là không hợp lý, hoặc để cử thêm chuyên gia thực hiện công việc này;
· Thực hiện các thủ tục phân tích các khoản mục được lựa chọn trên bảng cân đối kế toán của báo cáo tài chính năm trước đã được kiểm toán, như dự phòng hàng hóa bị trả lại, để đánh giá xem liệu các vấn đề liên quan đến xét đoán và ước tính kế toán được phát hiện trong kỳ trước đã được giải quyết hay chưa;
· Thực hiện các thủ tục kiểm toán đối với các tài khoản hoặc các tài liệu đối chiếu do đơn vị chuẩn bị, kể cả các tài liệu đối chiếu giữa kỳ;
· Thực hiện các kỹ thuật kiểm toán với sự hỗ trợ của máy tính như kỹ thuật tìm kiếm số liệu để kiểm tra sự bất thường trong một tổng thể;
· Kiểm tra tính đầy đủ của sổ kế toán và nghiệp vụ do máy tính lập ra;
· Tìm kiếm bằng chứng kiểm toán bổ sung từ những nguồn bên ngoài đơn vị được kiểm toán.
Trả lời