Quy trình xác định rủi ro có sai sót trọng yếu về môi trường đơn vị

Quy trình xác định rủi ro có sai sót trọng yếu về môi trường đơn vị

A114. Thông tin thu thập được từ việc thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro, bao gồm bằng chứng kiểm toán thu được từ việc đánh giá về mặt thiết kế của các kiểm soát và xác định liệu các kiểm soát đó đã được thực hiện hay chưa, được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán để hỗ trợ việc đánh giá rủi ro. Việc đánh giá rủi ro sẽ quyết định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo cần thực hiện.

A115. Phụ lục 2 Chuẩn mực này cung cấp ví dụ về các tình huống và sự kiện có thể cho thấy sự tồn tại của rủi ro có sai sót trọng yếu.

Liên hệ các kiểm soát với các cơ sở dẫn liệu

A116. Trong quá trình đánh giá rủi ro, kiểm toán viên cần xác định các kiểm soát có thể ngăn chặn hoặc phát hiện và sửa chữa các sai sót trọng yếu trong từng cơ sở dẫn liệu cụ thể. Nhìn chung, kiểm toán viên cần hiểu biết về các kiểm soát và liên hệ các kiểm soát này với các cơ sở dẫn liệu trong các chu trình và hệ thống có các kiểm soát đó, vì bản thân từng hoạt động kiểm soát riêng lẻ thường không xử lý được rủi ro. Thông thường, chỉ khi kết hợp nhiều hoạt động kiểm soát cùng với các thành phần khác của kiểm soát nội bộ thì mới đủ để xử lý rủi ro.

A117. Ngược lại, một số hoạt động kiểm soát có thể có ảnh hưởng nhất định đến từng cơ sở dẫn liệu trong một nhóm giao dịch hoặc số dư tài khoản cụ thể. Ví dụ, các hoạt động kiểm soát mà đơn vị thiết kế nhằm đảm bảo rằng nhân viên của đơn vị sẽ kiểm đếm và ghi nhận chính xác số liệu hàng tồn kho khi kiểm kê định kỳ hàng năm sẽ liên quan trực tiếp đến cơ sở dẫn liệu là tính hiện hữu và tính đầy đủ của số dư hàng tồn kho.

A118. Các kiểm soát có thể liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến một cơ sở dẫn liệu. Kiểm soát càng ít liên quan đến cơ sở dẫn liệu thì càng kém hiệu quả trong việc ngăn chặn hoặc phát hiện và sửa chữa sai sót trong cơ sở dẫn liệu đó. Ví dụ, thủ tục soát xét của trưởng phòng kinh doanh đối với báo cáo bán hàng tại các cửa hàng cụ thể theo khu vực chỉ liên quan gián tiếp đến cơ sở dẫn liệu là tính đầy đủ của doanh thu bán hàng. Do đó, kiểm soát này có thể ít hiệu quả trong việc giảm rủi ro cho cơ sở dẫn liệu “tính đầy đủ” so với các kiểm soát khác có liên quan trực tiếp, như thủ tục đối chiếu giữa chứng từ vận chuyển với hóa đơn bán hàng.

Rủi ro đáng kể

Xác định rủi ro đáng kể

A119. Rủi ro đáng kể thường liên quan đến các giao dịch lớn không thường xuyên hoặc các vấn đề cần xét đoán. Giao dịch không thường xuyên là các giao dịch có giá trị hoặc tính chất bất thường, do đó phát sinh không thường xuyên. Các vấn đề cần xét đoán có thể bao gồm các ước tính kế toán mà việc đo lường các ước tính đó chứa đựng yếu tố không chắc chắn đáng kể. Các giao dịch thường xuyên, đơn giản được xử lý một cách có hệ thống thường ít phát sinh rủi ro đáng kể.

A120. Đối với các giao dịch lớn không thường xuyên, rủi ro có sai sót trọng yếu thường nhiều hơn và phát sinh từ các vấn đề như:

· Sự can thiệp nhiều hơn của Ban Giám đốc vào việc quy định phương pháp hạch toán kế toán;

· Can thiệp thủ công nhiều hơn vào quá trình thu thập và xử lý dữ liệu;

· Các phép tính toán hoặc nguyên tắc kế toán phức tạp;

· Tính chất của các giao dịch không thường xuyên khiến đơn vị khó có thể thực hiện các kiểm soát một cách hiệu quả đối với những rủi ro đó.

A121. Đối với các vấn đề mang tính xét đoán quan trọng cần đến các ước tính kế toán, rủi ro có sai sót trọng yếu thường nhiều hơn và phát sinh từ các vấn đề như:

· Nguyên tắc kế toán đối với các ước tính kế toán hoặc ghi nhận doanh thu có thể được diễn giải theo cách khác nhau;

· Các xét đoán cần thiết có thể mang tính chủ quan hoặc phức tạp hoặc cần các giả định về ảnh hưởng của các sự kiện xảy ra trong tương lai, như xét đoán về giá trị hợp lý.

A122. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 330 quy định ảnh hưởng của việc xác định một rủi ro là đáng kể đối với các thủ tục kiểm toán tiếp theo.[13]

Rủi ro đáng kể liên quan đến rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận

A123. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240 quy định và hướng dẫn chi tiết hơn về việc xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận.[14]

Tìm hiểu các kiểm soát liên quan đến các rủi ro đáng kể (Tham chiếu: Đoạn 29)

A124. Mặc dù rủi ro liên quan đến các giao dịch lớn không thường xuyên hoặc các vấn đề cần xét đoán thường không thuộc phạm vi của các kiểm soát thông thường, Ban Giám đốc vẫn có thể có các biện pháp khác để xử lý những rủi ro đó. Do vậy, kiểm toán viên cần tìm hiểu xem đơn vị có thiết kế và thực hiện các kiểm soát đối với rủi ro đáng kể phát sinh từ các vấn đề bất thường hoặc cần xét đoán hay không, liệu Ban Giám đốc có biện pháp đối với những rủi ro đó hay không và biện pháp như thế nào. Những biện pháp có thể gồm:

· Các hoạt động kiểm soát như rà soát các giả định của lãnh đạo cấp cao hoặc các chuyên gia;

· Ghi chép lại quy trình thực hiện ước tính;

· Phê duyệt của Ban quản trị.

A125. Ví dụ, đối với những sự kiện chỉ xảy ra 1 lần như việc nhận được thông báo về một vụ kiện quan trọng, kiểm toán viên cần xem xét biện pháp xử lý của đơn vị, gồm những vấn đề như: vụ việc có được tham khảo ý kiến của chuyên gia phù hợp (như chuyên gia tư vấn pháp luật trong hoặc ngoài đơn vị) hay không, đơn vị đã thực hiện đánh giá về những ảnh hưởng tiềm tàng hay chưa và dự định thuyết minh như thế nào về vụ việc này trong báo cáo tài chính.

A126. Trong một số trường hợp, các kiểm soát mà Ban Giám đốc áp dụng đối với các rủi ro có sai sót trọng yếu đáng kể có thể vẫn không xử lý được thích đáng các rủi ro này. Đây là một biểu hiện của khiếm khuyết nghiêm trọng trong kiểm soát nội bộ của đơn vị.[15]

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *