Thái độ hoài nghi nghề nghiệp và xét đoán chuyên môn dịch vụ soát xét
Thái độ hoài nghi nghề nghiệp và xét đoán chuyên môn
Thái độ hoài nghi nghề nghiệp
A17. Thái độ hoài nghi nghề nghiệp là cần thiết để đánh giá một cách nghiêm túc đối với các bằng chứng soát xét. Điều này bao gồm sự nghi ngờ đối với các bằng chứng có mâu thuẫn, trái ngược và đánh giá mức độ tin cậy của các tài liệu, kết quả phỏng vấn cũng như các thông tin khác do Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được soát xét cung cấp. Thái độ hoài nghi nghề nghiệp cũng bao gồm việc xem xét về tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng thu thập được trong hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ.
A18. Thái độ hoài nghi nghề nghiệp là thái độ cảnh giác đối với các vấn đề như:
(1) Các bằng chứng mâu thuẫn với nhau;
(2) Thông tin dẫn đến việc nghi ngờ về độ tin cậy của các tài liệu và kết quả phỏng vấn đã được sử dụng làm bằng chứng;
(3) Các sự kiện có thể là dấu hiệu của gian lận;
(4) Các hoàn cảnh đặt ra yêu cầu phải thực hiện các thủ tục bổ sung.
A19. Kiểm toán viên phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt cuộc soát xét để giảm các rủi ro do:
(1) Bỏ qua các sự kiện và tình huống bất thường;
(2) Vội vàng rút ra kết luận chỉ từ việc quan sát;
(3) Sử dụng các giả định không phù hợp khi xác định nội dung, lịch trình, phạm vi của thủ tục soát xét và đánh giá kết quả của thủ tục đó.
A20. Kiểm toán viên có thể sử dụng kinh nghiệm và hiểu biết của mình trong quá khứ về sự trung thực và tính chính trực của Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được soát xét. Tuy nhiên, việc tin tưởng vào sự trung thực và tính chính trực của Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được soát xét không làm giảm sự cần thiết phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp hoặc không cho phép kiểm toán viên thỏa mãn với các bằng chứng chưa đủ thuyết phục để đạt được mục đích của cuộc soát xét.
Xét đoán chuyên môn
A21. Xét đoán chuyên môn là đòi hỏi thiết yếu khi thực hiện dịch vụ soát xét báo cáo tài chính. Kiểm toán viên sẽ không thể thực hiện được chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, các yêu cầu của Chuẩn mực này, các quyết định cần thiết trong suốt hợp đồng soát xét nếu không sử dụng kiến thức và kinh nghiệm một cách phù hợp với thực tế và hoàn cảnh cụ thể. Xét đoán chuyên môn rất cần thiết trong việc:
(1) Đưa ra quyết định về mức trọng yếu, nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục được sử dụng để đáp ứng các yêu cầu của Chuẩn mực này và trong việc thu thập bằng chứng;
(2) Đánh giá xem liệu bằng chứng thu thập được từ việc thực hiện các thủ tục soát xét có thể làm giảm rủi ro xuống mức thấp có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng hay không;
(3) Đánh giá các xét đoán của Ban Giám đốc đơn vị được soát xét trong việc áp dụng khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính;
(4) Đưa ra kết luận về báo cáo tài chính dựa trên các bằng chứng đã thu thập được, bao gồm việc xem xét tính hợp lý của các ước tính kế toán mà Ban Giám đốc sử dụng khi lập báo cáo tài chính.
A22. Đặc điểm nổi bật về tính xét đoán chuyên môn mà kiểm toán viên phải có là việc kiểm toán viên sử dụng những kiến thức được đào tạo, sự hiểu biết và kinh nghiệm, bao gồm việc sử dụng kỹ năng và kỹ thuật đảm bảo, để phát triển các kỹ năng cần thiết nhằm đưa ra những xét đoán hợp lý. Đối với các vấn đề phức tạp hoặc bất đồng xảy ra trong quá trình soát xét, kiểm toán viên có thể tham khảo ý kiến tư vấn từ trong nội bộ nhóm thực hiện hợp đồng hoặc giữa nhóm thực hiện hợp đồng với các bên khác phù hợp, bên trong hay bên ngoài doanh nghiệp kiểm toán, nhằm giúp kiểm toán viên đưa ra những xét đoán hợp lý.
A23. Việc thực hiện xét đoán chuyên môn đối với từng hợp đồng soát xét được dựa vào thực tế và những tình huống cụ thể mà kiểm toán viên biết được trong quá trình thực hiện hợp đồng, bao gồm:
(1) Kiến thức tích lũy được từ các cuộc soát xét báo cáo tài chính của đơn vị trong các kỳ trước, nếu có;
(2) Hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị được soát xét và môi trường kinh doanh của đơn vị, bao gồm hệ thống kế toán và việc áp dụng khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính trong lĩnh vực kinh doanh của đơn vị;
(3) Phạm vi lập và trình bày báo cáo tài chính đòi hỏi phải có sự xét đoán của Ban Giám đốc đơn vị.
A24. Xét đoán chuyên môn có thể được đánh giá dựa vào việc xem xét sự vận dụng các nguyên tắc về kế toán và quy định về dịch vụ đảm bảo một cách thành thạo, phù hợp và nhất quán với thực tế và tình huống cụ thể mà kiểm toán viên biết được cho đến ngày lập báo cáo soát xét.
A25. Xét đoán chuyên môn cần được thực hiện trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng soát xét và thể hiện một cách thích hợp trong tài liệu, hồ sơ soát xét theo các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này. Xét đoán chuyên môn không được sử dụng để biện hộ cho những quyết định không chứng minh được bằng thực tế, bằng những tình huống cụ thể của hợp đồng dịch vụ hoặc bằng các bằng chứng thu được.
Trả lời