Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan về môi trường của đơn vị

Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan

A1. Việc tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có kiểm soát nội bộ (sau đây gọi là “hiểu biết về đơn vị”) là một quy trình liên tục và linh hoạt để thu thập, cập nhật và phân tích thông tin trong suốt quá trình kiểm toán. Hiểu biết về đơn vị cung cấp cho kiểm toán viên cơ sở để lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện các xét đoán chuyên môn trong suốt quá trình kiểm toán, ví dụ trong các công việc như:

· Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính;

· Xác định mức trọng yếu theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 320;[3]

· Đánh giá sự phù hợp của việc chọn lựa, áp dụng các chính sách kế toán và tính đầy đủ, thích hợp của các thuyết minh báo cáo tài chính;

· Xác định các khoản mục có thể cần đặc biệt lưu ý khi kiểm toán, ví dụ giao dịch với các bên liên quan, sự phù hợp trong giả định của Ban Giám đốc về tính hoạt động liên tục của đơn vị, hoặc xem xét mục đích kinh tế của các giao dịch;

· Xây dựng các ước tính để sử dụng khi thực hiện thủ tục phân tích;

· Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu đã đánh giá, gồm thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo để thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp; và

· Đánh giá tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán đã thu thập, như đánh giá tính thích hợp của các giả định và của các giải trình bằng lời và bằng văn bản của Ban Giám đốc.

A2. Kiểm toán viên có thể sử dụng thông tin thu thập được từ thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan để làm bằng chứng kiểm toán hỗ trợ cho việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu. Ngoài ra, kiểm toán viên vẫn có thể thu thập bằng chứng kiểm toán về các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hoặc thuyết minh và các cơ sở dẫn liệu liên quan và về tính hữu hiệu của các hoạt động kiểm soát, mặc dù các thủ tục này không được lập kế hoạch cụ thể là thử nghiệm cơ bản hay thử nghiệm kiểm soát. Kiểm toán viên cũng có thể chọn cách tiến hành thử nghiệm cơ bản hoặc thử nghiệm kiểm soát đồng thời với các thủ tục đánh giá rủi ro bởi vì đây là cách thực hiện hiệu quả.

A3. Kiểm toán viên cần sử dụng xét đoán chuyên môn để quyết định mức độ hiểu biết cần phải có. Vấn đề chính mà kiểm toán viên cần xem xét là những hiểu biết đã có liệu đã đáp ứng được mục tiêu quy định trong chuẩn mực này hay chưa. Mức độ hiểu biết tổng thể của kiểm toán viên về đơn vị không yêu cầu phải sâu sắc bằng Ban Giám đốc đơn vị trong quá trình điều hành đơn vị.

A4. Chuẩn mực này quy định và hướng dẫn việc đánh giá rủi ro, bao gồm cả rủi ro do gian lận và rủi ro do nhầm lẫn. Tuy nhiên, do mức độ nghiêm trọng của gian lận, Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240 quy định và hướng dẫn chi tiết hơn về các thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan để thu thập thông tin nhằm xác định rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận.[4]

A5. Trong quá trình thu thập các hiểu biết cần thiết về đơn vị được kiểm toán (xem đoạn 11-24), kiểm toán viên phải thực hiện toàn bộ các thủ tục đánh giá rủi ro theo quy định tại đoạn 6 nhưng không nhất thiết phải thực hiện toàn bộ các thủ tục cho mỗi khía cạnh của thông tin cần tìm hiểu. Kiểm toán viên có thể áp dụng các thủ tục khác nếu xét thấy thông tin thu thập được từ các thủ tục đó sẽ hữu ích cho việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu. Ví dụ về thủ tục khác bao gồm:

· Soát xét các thông tin thu được từ các nguồn bên ngoài như tạp chí về thương mại và kinh tế, báo cáo phân tích của các chuyên gia, ngân hàng hoặc các tổ chức xếp hạng; hoặc các tạp chí của cơ quan quản lý ngành và tạp chí tài chính;

· Phỏng vấn chuyên gia tư vấn pháp luật và chuyên gia định giá bên ngoài mà đơn vị được kiểm toán đã từng sử dụng.

Phỏng vấn Ban Giám đốc và các cá nhân khác trong đơn vị được kiểm toán

A6. Kiểm toán viên thu thập được phần lớn thông tin từ việc phỏng vấn Ban Giám đốc và những người chịu trách nhiệm về việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Tuy nhiên, kiểm toán viên cũng có thể phỏng vấn những cá nhân khác và nhân viên ở các cấp bậc, chức vụ khác nhau trong đơn vị được kiểm toán để thu thập thông tin hữu ích hoặc những quan điểm, ý kiến khác giúp cho việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu. Ví dụ:

· Phỏng vấn trực tiếp Ban quản trị có thể giúp kiểm toán viên hiểu được môi trường lập báo cáo tài chính;

· Phỏng vấn trực tiếp kiểm toán viên nội bộ có thể giúp cung cấp thông tin về các thủ tục mà kiểm toán viên nội bộ đã thực hiện trong năm, liên quan đến thiết kế và hiệu quả của kiểm soát nội bộ và liệu Ban Giám đốc đã có các biện pháp thích hợp đối với với những phát hiện của kiểm toán viên nội bộ hay chưa;

· Phỏng vấn nhân viên thực hiện việc tạo lập, xử lý và ghi chép các giao dịch phức tạp và bất thường có thể giúp kiểm toán viên đánh giá tính thích hợp của việc lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán nhất định;

· Phỏng vấn trực tiếp luật sư của đơn vị có thể cung cấp thông tin về các vấn đề như kiện tụng, tuân thủ pháp luật và các quy định, những thông tin về gian lận hoặc nghi ngờ gian lận ảnh hưởng tới đơn vị, nghĩa vụ bảo hành, hậu mãi, các thỏa thuận (ví dụ liên doanh, liên kết) với đối tác kinh doanh và ý nghĩa của các điều khoản hợp đồng;

· Phỏng vấn trực tiếp nhân viên tiếp thị và bán hàng có thể cung cấp thông tin về những thay đổi trong chiến lược tiếp thị, xu hướng bán hàng của đơn vị hoặc các thỏa thuận với khách hàng.

Thủ tục phân tích

A7. Các thủ tục phân tích sử dụng làm thủ tục đánh giá rủi ro có thể giúp kiểm toán viên xác định các đặc điểm của đơn vị mà kiểm toán viên chưa biết và giúp đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu để làm cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán đối với rủi ro đã đánh giá. Thủ tục phân tích sử dụng để đánh giá rủi ro có thể liên quan đến các thông tin tài chính và phi tài chính, như mối quan hệ giữa doanh thu và diện tích cửa hàng, hoặc số lượng hàng bán.

A8. Thủ tục phân tích có thể giúp kiểm toán viên xác định sự tồn tại của các giao dịch, sự kiện bất thường, các số liệu, tỷ trọng và xu hướng có thể là dấu hiệu của các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc kiểm toán. Phát hiện được những mối quan hệ bất thường và ngoài dự kiến có thể giúp kiểm toán viên xác định được rủi ro có sai sót trọng yếu, đặc biệt là những rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận.

A9. Tuy nhiên, khi thủ tục phân tích sử dụng những dữ liệu tổng hợp (như trường hợp thực hiện thủ tục phân tích để đánh giá rủi ro), kết quả phân tích chỉ cung cấp những thông tin chung ban đầu về khả năng có thể xảy ra sai sót trọng yếu. Do đó, việc xem xét những thông tin khác đã thu thập được khi xác định rủi ro có sai sót trọng yếu cùng với kết quả của thủ tục phân tích có thể giúp kiểm toán viên hiểu và đánh giá kết quả của thủ tục phân tích.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ

A10. Một số đơn vị nhỏ có thể không có các thông tin tài chính giữa niên độ hay hàng tháng để phục vụ cho việc phân tích. Trong trường hợp này, mặc dù kiểm toán viên có thể thực hiện một số thủ tục phân tích nhất định để phục vụ lập kế hoạch kiểm toán hoặc thu thập thông tin qua phỏng vấn nhưng kiểm toán viên có thể cần phải có kế hoạch thực hiện thủ tục phân tích để xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ngay khi có dự thảo báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán.

Quan sát và điều tra

A11. Quan sát và điều tra có thể hỗ trợ việc phỏng vấn Ban Giám đốc và các cá nhân khác trong đơn vị, đồng thời cung cấp thêm những thông tin về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị. Ví dụ về những nội dung quan sát và điều tra, bao gồm:

· Hoạt động của đơn vị;

· Các tài liệu (như kế hoạch và chiến lược kinh doanh), hồ sơ, tài liệu hướng dẫn về kiểm soát nội bộ;

· Các loại báo cáo do Ban Giám đốc lập (như báo cáo quản lý hàng quý và báo cáo tài chính giữa niên độ) và báo cáo do Ban quản trị lập (như biên bản họp hội đồng quản trị);

· Cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc thiết bị của đơn vị.

Thông tin thu thập từ các cuộc kiểm toán trước (Tham chiếu: Đoạn 9)

A12. Kinh nghiệm trước đó về đơn vị được kiểm toán và các thủ tục kiểm toán đã thực hiện trong các cuộc kiểm toán trước có thể sẽ cung cấp cho kiểm toán viên những thông tin như:

· Những sai sót trong quá khứ và liệu việc sửa chữa đã được thực hiện kịp thời hay chưa;

· Đặc điểm của đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có kiểm soát nội bộ (bao gồm những khiếm khuyết trong kiểm soát nội bộ);

· Các thay đổi quan trọng của đơn vị hoặc trong các hoạt động của đơn vị kể từ kỳ kế toán trước cho đến thời điểm hiện tại có thể giúp kiểm toán viên hiểu biết đầy đủ hơn về đơn vị để xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu.

A13. Kiểm toán viên phải đánh giá những thông tin đã có từ cuộc kiểm toán trước có còn phù hợp để sử dụng cho cuộc kiểm toán hiện tại hay không, vì những thay đổi trong môi trường kiểm soát có thể ảnh hưởng tới tính thích hợp của những thông tin đã thu thập được trước đây. Để xác định những thay đổi này có ảnh hưởng đến tính thích hợp của thông tin hay không, kiểm toán viên có thể cần phỏng vấn và thực hiện các thủ tục kiểm toán phù hợp khác như thực hiện thủ tục kiểm tra từng bước (walk-through) đối với các hệ thống có liên quan.

Thảo luận trong nhóm kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 10)

A14. Việc thảo luận trong nhóm kiểm toán về khả năng báo cáo tài chính dễ xảy ra sai sót trọng yếu nhằm:

· Tạo cơ hội cho các thành viên có nhiều kinh nghiệm trong nhóm kiểm toán, trong đó có chủ phần hùn kiểm toán, chia sẻ những quan điểm dựa trên những kinh nghiệm và hiểu biết về đơn vị;

· Cho phép các thành viên nhóm kiểm toán trao đổi thông tin về những rủi ro kinh doanh mà đơn vị có khả năng gặp phải, những khoản mục trong báo cáo tài chính dễ bị sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn và tại sao lại dẫn đến những sai sót đó;

· Giúp các thành viên nhóm kiểm toán hiểu rõ hơn những sai sót trọng yếu tiềm tàng trong báo cáo tài chính cụ thể theo từng khoản mục đã được phân công cho các thành viên, cũng như hiểu được kết quả của các thủ tục kiểm toán họ đang thực hiện có ảnh hưởng như thế nào tới cuộc kiểm toán, kể cả việc xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo;

· Tạo cơ sở cho các thành viên nhóm kiểm toán trao đổi và chia sẻ những thông tin mới thu thập được trong suốt quá trình kiểm toán có ảnh hưởng tới việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu hoặc những thủ tục kiểm toán đã thực hiện đối với các rủi ro này.

Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240 quy định và hướng dẫn về nội dung thảo luận giữa các thành viên nhóm kiểm toán về rủi ro do gian lận.[5]

A15. Một cuộc thảo luận của nhóm kiểm toán (nhất là đối với những cuộc kiểm toán ở nhiều địa điểm) có thể không cần hoặc không thể có sự tham gia của toàn bộ thành viên nhóm kiểm toán và cũng không nhất thiết phải thông báo toàn bộ các quyết định được đưa ra khi thảo luận tới từng thành viên. Chủ phần hùn kiểm toán có thể chỉ thảo luận với những thành viên chính trong nhóm kiểm toán, kể cả các chuyên gia và những người chịu trách nhiệm kiểm toán đơn vị thành viên, nếu cần thiết, và ủy quyền lại việc trao đổi với những thành viên khác, có xem xét đến mức độ trao đổi cần thiết với toàn bộ nhóm kiểm toán. Việc truyền đạt thông tin nên được lập kế hoạch với sự phê duyệt của chủ phần hùn kiểm toán.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ

A16. Nhiều cuộc kiểm toán nhỏ thường chỉ do một người (có thể là người hành nghề cá nhân) thực hiện. Trường hợp này, người đó vừa trực tiếp lập kế hoạch kiểm toán, vừa chịu trách nhiệm xem xét khả năng báo cáo tài chính của đơn vị có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *