Tìm hiểu về các mối quan hệ và giao dịch của đơn vị được kiểm toán với các bên liên quan
Tìm hiểu về các mối quan hệ và giao dịch của đơn vị được kiểm toán với các bên liên quan
Thảo luận trong nhóm kiểm toán
A9. Các vấn đề có thể được thảo luận trong nhóm kiểm toán bao gồm:
· Bản chất và phạm vi các mối quan hệ và giao dịch của đơn vị được kiểm toán với các bên liên quan (có thể sử dụng tài liệu của kiểm toán viên về các bên liên quan đã được cập nhật sau mỗi cuộc kiểm toán);
· Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt quá trình kiểm toán đối với khả năng xảy ra sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan;
· Những tình huống hoặc điều kiện của đơn vị được kiểm toán có thể cho thấy sự tồn tại của các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan mà Ban Giám đốc đơn vị chưa xác định hoặc chưa thông báo cho kiểm toán viên (ví dụ, một cơ cấu tổ chức phức tạp, sử dụng các đơn vị có mục đích đặc biệt cho các giao dịch ngoài bảng cân đối kế toán, hoặc một hệ thống thông tin không phù hợp);
· Các sổ sách hoặc tài liệu có thể cho thấy sự tồn tại các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan;
· Sự quan tâm của Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán trong việc xác định, hạch toán hợp lý và thuyết minh các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan (nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính có quy định về các bên liên quan), và rủi ro trong việc Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán khống chế các kiểm soát liên quan.
A10. Ngoài ra, khi thảo luận về gian lận, nhóm kiểm toán cần đặc biệt lưu ý về cách thức mà các bên liên quan có thể dính líu tới hành vi gian lận. Ví dụ:
· Cách thức mà các đơn vị có mục đích đặc biệt chịu sự kiểm soát của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán có thể được sử dụng để tạo điều kiện cho việc thao túng lợi nhuận;
· Cách thức mà các giao dịch giữa đơn vị với một đối tác kinh doanh của một thành viên chủ chốt của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán được dàn xếp để dễ dàng biển thủ tài sản của đơn vị.
Xác định các bên liên quan của đơn vị
A11. Khi khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có quy định về các bên liên quan, Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán có thể có sẵn thông tin về các bên liên quan của đơn vị vì hệ thống thông tin của đơn vị cần ghi chép, xử lý và tóm tắt các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan để đáp ứng các quy định về hạch toán và thuyết minh theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng. Do đó, Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán có thể có danh sách đầy đủ về các bên liên quan và những thay đổi kể từ kỳ trước. Đối với các cuộc kiểm toán các năm tiếp theo, việc phỏng vấn sẽ tạo cơ sở cho kiểm toán viên so sánh các thông tin do Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán cung cấp với các tài liệu của kiểm toán viên về các bên liên quan đã có được từ các cuộc kiểm toán trước.
A12. Tuy nhiên, nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng không có quy định về các bên liên quan, đơn vị được kiểm toán có thể không có hệ thống thông tin như hướng dẫn tại đoạn A11 và Ban Giám đốc đơn vị có thể không biết được về tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, kiểm toán viên vẫn phải thực hiện phỏng vấn theo quy định tại đoạn 13 vì Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán có thể biết về các đối tượng thoả mãn định nghĩa về bên liên quan được nêu trong Chuẩn mực này. Trường hợp này, việc kiểm toán viên phỏng vấn để xác định các bên liên quan của đơn vị có thể là một phần của thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 315 nhằm thu thập các thông tin liên quan tới:
· Cơ cấu sở hữu và cơ cấu quản lý của đơn vị;
· Các loại hình đầu tư mà đơn vị đang thực hiện và có kế hoạch thực hiện;
· Cơ cấu tổ chức và nguồn tài chính của đơn vị.
Khi có các mối quan hệ chịu sự kiểm soát chung, Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán có nhiều khả năng biết về các mối quan hệ này hơn nếu các quan hệ đó có ảnh hưởng kinh tế lớn đối với đơn vị. Việc phỏng vấn của kiểm toán viên có thể có hiệu quả hơn nếu tập trung vào việc xác định liệu các đối tượng mà đơn vị có các giao dịch quan trọng hoặc chia sẻ các nguồn tài chính ở một mức độ đáng kể, có phải là các bên liên quan hay không.
A13. Khi kiểm toán tập đoàn, Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 600 quy định nhóm kiểm toán tập đoàn phải cung cấp cho mỗi kiểm toán viên đơn vị thành viên danh sách các bên liên quan do Ban Giám đốc tập đoàn lập và bất kỳ bên liên quan nào khác mà nhóm kiểm toán tập đoàn biết.[19] Nếu đơn vị được kiểm toán là đơn vị thành viên trong một tập đoàn, thông tin này cung cấp cơ sở hữu ích cho việc phỏng vấn của kiểm toán viên về các bên liên quan của đơn vị.
A14. Kiểm toán viên cũng có thể thu thập được một số thông tin liên quan tới các bên liên quan của đơn vị thông qua việc phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán trong quá trình chấp nhận hoặc duy trì hợp đồng kiểm toán.
Các kiểm soát của đơn vị đối với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan (Tham chiếu: Đoạn 14)
A15. Ngoài Ban Giám đốc, những cá nhân khác trong đơn vị được kiểm toán cũng được coi là có thể biết về các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan của đơn vị và các kiểm soát của đơn vị đối với các mối quan hệ và giao dịch đó, có thể bao gồm:
· Ban quản trị;
· Nhân viên có trách nhiệm tạo lập, xử lý, hoặc ghi chép các giao dịch quan trọng ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị, và những người giám sát hoặc theo dõi nhân viên đó;
· Kiểm toán viên nội bộ;
· Bộ phận tư vấn pháp lý của đơn vị
· Cán bộ giám sát về đạo đức hoặc người có vị trí tương đương.
A16. Cuộc kiểm toán được tiến hành trên cơ sở Ban Giám đốc và/hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán đã hiểu và thừa nhận rằng họ có trách nhiệm đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, bao gồm cả sự trình bày hợp lý, đồng thời chịu trách nhiệm về các kiểm soát nội bộ mà Ban Giám đốc và Ban quản trị xác định là cần thiết để đảm bảo việc lập và trình bày báo cáo tài chính không còn chứa đựng sai sót trọng yếu do nhầm lẫn hay gian lận.[20] Do đó, khi khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính có quy định về các bên liên quan, việc lập và trình bày báo cáo tài chính yêu cầu Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán, dưới sự giám sát của Ban quản trị, phải thiết kế, thực hiện và duy trì các kiểm soát phù hợp đối với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan sao cho những mối quan hệ và giao dịch này được xác định, hạch toán phù hợp và thuyết minh theo quy định. Trong vai trò giám sát, Ban quản trị giám sát cách thức mà Ban Giám đốc đơn vị thực hiện trách nhiệm của mình đối với các kiểm soát đó. Bất kể quy định nào về bên liên quan mà khuôn khổ có thể đưa ra, trong vai trò giám sát của mình, Ban quản trị có thể thu thập thông tin từ Ban Giám đốc để hiểu được bản chất và tính hợp lý về mặt kinh tế của các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan của đơn vị.
A17. Để đáp ứng quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế 315 về việc tìm hiểu môi trường kiểm soát,[21] kiểm toán viên có thể xem xét các đặc điểm của môi trường kiểm soát có liên quan tới việc giảm thiểu rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan, như:
· Các quy định nội bộ về đạo đức để quản lý các trường hợp đơn vị được kiểm toán tham gia vào các loại giao dịch cụ thể với các bên liên quan được phổ biến một cách thích hợp cho nhân viên của đơn vị và buộc họ phải thi hành;
· Các chính sách và thủ tục để thông báo công khai và kịp thời về những lợi ích mà Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán có được trong các giao dịch với các bên liên quan;
· Việc giao trách nhiệm cho người trong đơn vị để xác định, ghi chép, tổng hợp và thuyết minh các giao dịch với các bên liên quan;
· Việc thông báo và thảo luận kịp thời giữa Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán về các giao dịch quan trọng với các bên liên quan ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị, kể cả việc Ban quản trị đã thẩm định tính hợp lý về mặt kinh tế của các giao dịch đó hay chưa (ví dụ xin ý kiến của những chuyên gia tư vấn ngoài đơn vị);
· Các hướng dẫn rõ ràng về việc phê duyệt giao dịch với các bên liên quan có xung đột lợi ích thực tế hoặc quan sát được, như sự phê duyệt của một nhóm thành viên trong Ban quản trị bao gồm các cá nhân độc lập với Ban Giám đốc đơn vị;
· Các cuộc kiểm tra định kỳ của kiểm toán viên nội bộ, nếu có;
· Hành động mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán chủ động thực hiện để giải quyết các vấn đề về công bố thông tin về các bên liên quan, như xin ý kiến tư vấn từ kiểm toán viên hoặc chuyên gia tư vấn pháp luật bên ngoài;
· Các chính sách và thủ tục báo cáo vi phạm với cơ quan quản lý có thẩm quyền, nếu có.
A18. Trong một số đơn vị, có thể có khiếm khuyết trong các kiểm soát hoặc không có kiểm soát nào đối với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan, vì một số lý do như sau:
· Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán không nhận thấy tầm quan trọng của việc xác định và thông báo các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan;
· Thiếu sự giám sát thích hợp của Ban quản trị;
· Cố tình coi nhẹ các kiểm soát đối với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan vì việc thông báo về các bên liên quan có thể làm lộ thông tin mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán coi là nhạy cảm, ví dụ, các giao dịch có liên quan đến các thành viên gia đình thân thuộc của thành viên Ban Giám đốc đơn vị;
· Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán không hiểu đầy đủ về các quy định về bên liên quan trong khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng;
· Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng không có các quy định về công bố thông tin.
Khi các kiểm soát đối với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan không có hoặc có nhưng không hiệu quả, kiểm toán viên có thể không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Trường hợp này, theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 705,[22] kiểm toán viên phải xem xét các ảnh hưởng có thể có đối với cuộc kiểm toán, kể cả ảnh hưởng đối với ý kiến kiểm toán.
A19. Việc lập báo cáo tài chính gian lận thường bao gồm việc Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán khống chế các kiểm soát mà đáng ra đang hoạt động hiệu quả.[23] Rủi ro Ban Giám đốc khống chế kiểm soát là cao hơn nếu Ban Giám đốc có các mối quan hệ liên quan đến kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể với các đối tác có quan hệ kinh doanh vì các mối quan hệ này có thể mang lại động lực và cơ hội lớn hơn cho Ban Giám đốc thực hiện hành vi gian lận. Ví dụ, các lợi ích tài chính của Ban Giám đốc trong các mối quan hệ với các bên liên quan nhất định có thể khuyến khích Ban Giám đốc khống chế kiểm soát bằng cách: (a) chỉ đạo đơn vị ký kết các giao dịch vì lợi ích của các bên liên quan đi ngược lại những lợi ích của đơn vị, hoặc (b) thông đồng với các bên liên quan hoặc kiểm soát các hành động của bên liên quan. Ví dụ về hành vi gian lận có thể xảy ra bao gồm:
· Tạo ra các điều khoản giao dịch giả mạo với các bên liên quan nhằm làm sai lệch tính hợp lý về mặt kinh tế của các giao dịch này;
· Gian lận trong việc chuyển nhượng tài sản từ hoặc cho Ban Giám đốc hoặc những người khác với giá chuyển nhượng cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với giá thị trường;
· Tham gia vào các giao dịch phức tạp với các bên liên quan, như các đơn vị có mục đích đặc biệt, được lập ra để trình bày sai lệch tình hình tài chính hoặc kết quả hoạt động của đơn vị.
Trả lời