TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ TOÁN QUẢN TRỊ
TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ TOÁN QUẢN TRỊ
1. Việc tổ chức thực hiện kế toán quản trị trong doanh nghiệp có các yêu cầu sau:
a/ Cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin theo yêu cầu quản lý về chi phí của từng công việc, bộ phận, dự án, sản phẩm,…;
b/ Cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin thực hiện, các định mức, đơn giá,… phục vụ cho việc lập kế hoạch, kiểm tra, điều hành và ra quyết định;
c/ Đảm bảo cung cấp các thông tin chi tiết, cụ thể hơn so với kế toán tài chính;
d/ Xác lập các nguyên tắc, phương pháp phù hợp để đảm bảo được tính so sánh giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị cũng như giữa các thời kỳ hoạt động, giữa dự toán và thực hiện.
2. Tổ chức thực hiện kế toán quản trị trong doanh nghiệp theo các nội dung: Tổ chức vận dụng chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán; Tổ chức lập báo cáo kế toán quản trị và tổ chức phân tích thông tin kinh tế, tài chính.
3. Nguyên tắc tổ chức vận dụng Chứng từ kế toán
a/ Vận dụng các nguyên tắc, phương pháp về lập, luân chuyển, quản lý và sử dụng chứng từ kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp.
b/ Cụ thể hoá và bổ sung các nội dung cần thiết vào từng mẫu chứng từ kế toán đã được quy định để phục vụ cho việc thu thập thông tin quản trị nội bộ doanh nghiệp.
c/ Sử dụng các chứng từ ban đầu, chứng từ thống kê trong điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (Lệnh sản xuất; Bảng kê khối lượng; Quyết định điều động lao động; Quyết định điều động (di chuyển) tài sản; Biên bản điều tra tình hình sản xuất,…) để kế toán quản trị khối lượng sản phẩm (công việc), thời gian lao động, lập kế hoạch.
d/ Được thiết kế và sử dụng các chứng từ nội bộ dùng cho kế toán quản trị mà không có quy định của Nhà nước (Bảng tính phân bổ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp,…); Được thiết lập hệ thống thu thập và cung cấp thông tin nhanh, kịp thời qua Email, Fax và các phương tiện thông tin khác.
4. Nguyên tắc tổ chức vận dụng Tài khoản kế toán
4.1. Doanh nghiệp căn cứ vào hệ thống tài khoản kế toán do Bộ Tài chính ban hành hoặc được Bộ Tài chính chấp thuận áp dụng cho doanh nghiệp để chi tiết hoá theo các cấp (cấp 2, 3, 4) phù hợp với kế hoạch, dự toán đã lập và yêu cầu cung cấp thông tin của kế toán quản trị trong doanh nghiệp.
4.2. Việc chi tiết hoá các cấp tài khoản kế toán dựa trên các yêu cầu sau:
a/ Xuất phát từ yêu cầu cung cấp thông tin kế toán quản trị của từng cấp quản lý.
b/ Các tài khoản có mối quan hệ với nhau cần đảm bảo tính thống nhất về ký hiệu, cấp độ,…(Ví dụ: TK 15411, 51111, 63211, 91111,…).
c/ Việc chi tiết hoá tài khoản không được làm sai lệch nội dung, kết cấu và phương pháp ghi chép của tài khoản.
4.3. Doanh nghiệp được mở tài khoản kế toán chi tiết theo các cấp trong các trường hợp sau:
a/ Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành theo từng công việc; Sản phẩm, mặt hàng, bộ phận sản xuất, kinh doanh,…
b/ Kế toán bán hàng và xác định kết quả kinh doanh theo từng công việc; Sản phẩm, mặt hàng, bộ phận sản xuất, kinh doanh,…
c/ Kế toán hàng tồn kho theo từng thứ, loại.
d/ Kế toán các nguồn vốn, các khoản vay, các khoản nợ phải thu, phải trả,…theo chủ thể và từng loại.
Ngoài ra tuỳ theo yêu cầu cung cấp thông tin kế toán quản trị mà doanh nghiệp thiết kế chi tiết hoá các tài khoản kế toán cho phù hợp.
5. Nguyên tắc tổ chức vận dụng Sổ kế toán
a/ Doanh nghiệp căn cứ vào hệ thống sổ kế toán do Bộ Tài chính ban hành hoặc được Bộ Tài chính chấp thuận áp dụng cho doanh nghiệp để bổ sung các chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể phục vụ cho kế toán quản trị trong doanh nghiệp. Việc bổ sung hoặc thiết kế các nội dung của sổ kế toán không được làm sai lệch nội dung các chỉ tiêu đã quy định trên sổ kế toán và cần phù hợp với yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.
b/ Doanh nghiệp có thể thiết kế các sổ kế toán mới phù hợp với yêu cầu quản lý chi phí, doanh thu và xác định kết quả kinh doanh theo bộ phận, mặt hàng, công việc và các yêu cầu khác của kế toán quản trị (Phiếu tính giá thành sản phẩm; Báo cáo sản xuất; Sổ chi tiết bán hàng theo khách hàng,..như mẫu sổ ở phụ lục kèm theo).
6. Yêu cầu, nội dung Báo cáo kế toán quản trị
6.1. Yêu cầu thiết lập hệ thống báo cáo kế toán quản trị
a/ Hệ thống báo cáo kế toán quản trị cần được xây dựng phù hợp với yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ quản lý nội bộ của từng doanh nghiệp cụ thể.
b/ Nội dung hệ thống báo cáo kế toán quản trị cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và đảm bảo tính so sánh được của các thông tin phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành và ra các quyết định kinh tế của doanh nghiệp.
c/ Các chỉ tiêu trong báo cáo kế toán quản trị cần phải được thiết kế phù hợp với các chỉ tiêu của kế hoạch, dự toán và báo cáo tài chính nhưng có thể thay đổi theo yêu cầu quản lý của các cấp.
6.2. Hệ thống báo cáo kế toán quản trị
6.2.1 Hệ thống báo cáo kế toán quản trị chủ yếu của một doanh nghiệp thường bao gồm:
a/ Báo cáo tình hình thực hiện:
– Báo cáo doanh thu, chi phí và lợi nhuận của từng loại sản phẩm, hàng
hoá, dịch vụ;
– Báo cáo khối lượng hàng hoá mua vào và bán ra trong kỳ theo đối tượng
khách hàng, giá bán, chiết khấu và các hình thức khuyến mại khác;
– Báo cáo chi tiết khối lượng sản phẩm (dịch vụ) hoàn thành, tiêu thụ;
– Báo cáo chấp hành định mức hàng tồn kho;
– Báo cáo tình hình sử dụng lao động và năng suất lao động;
– Báo cáo chi tiết sản phẩm, công việc hoàn thành;
– Báo cáo cân đối nhập, xuất, tồn kho nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng
hoá;
– Báo cáo chi tiết nợ phải thu theo thời hạn nợ, khách nợ và khả năng thu nợ;
– Báo cáo chi tiết các khoản nợ vay, nợ phải trả theo thời hạn nợ và chủ nợ;
– Báo cáo bộ phận lập cho trung tâm trách nhiệm;
– Báo cáo chi tiết tăng, giảm vốn chủ sở hữu.
b/ Báo cáo phân tích:
– Phân tích mối quan hệ giữa chi phí, khối lượng và lợi nhuận;
– Phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp;
– Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất và tài chính;
Ngoài ra, căn cứ vào yêu cầu quản lý, điều hành của từng giai đoạn cụ thể, doanh nghiệp có thể lập các báo cáo kế toán quản trị khác.
6.2.2 Một số mẫu báo cáo kế toán quản trị chủ yếu: Xem phụ lục kèm theo.
7. Lưu trữ tài liệu kế toán quản trị
Việc lưu trữ tài liệu kế toán quản trị, đặc biệt là các báo cáo kế toán quản trị mang tính tổng hợp, phân tích kết quả kinh doanh, chiến lược kinh doanh,…được thực hiện theo quyết định của Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán trên cơ sở vận dụng các quy định của pháp luật về lưu trữ tài liệu kế toán.
Trả lời