Dịch vụ soát xét báo cáo tài chính quá khứ

Dịch vụ soát xét báo cáo tài chính quá khứ

A6. Dịch vụ soát xét báo cáo tài chính có thể được thực hiện đối với các đơn vị khác nhau về loại hình, quy mô, hoặc mức độ phức tạp trong báo cáo tài chính của họ. Việc soát xét báo cáo tài chính của các loại hình đơn vị cụ thể phải tuân thủ pháp luật, các quy định và các yêu cầu báo cáo đặc thù có liên quan.

A7. Dịch vụ soát xét được thực hiện trong từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, dịch vụ soát xét được thực hiện cho các đơn vị thuộc diện không bắt buộc phải kiểm toán theo pháp luật và các quy định có liên quan. Việc soát xét cũng có thể được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, ví dụ soát xét báo cáo tài chính theo điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng tài trợ.

Mục tiêu

A8. Chuẩn mực này yêu cầu kiểm toán viên phải từ chối đưa ra kết luận về báo cáo tài chính nếu đồng thời:

(a) Kiểm toán viên phát hành báo cáo hoặc bắt buộc phải phát hành báo cáo cho hợp đồng soát xét đó;

(b) Kiểm toán viên không thể hình thành kết luận về báo cáo tài chính do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp, và kiểm toán viên kết luận rằng ảnh hưởng có thể có đối với báo cáo tài chính của những sai sót không được phát hiện (nếu có) là trọng yếu và lan tỏa.

A9. Việc không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp trong một hợp đồng soát xét (liên quan tới giới hạn về phạm vi) có thể phát sinh từ:

(a) Các tình huống ngoài sự kiểm soát của đơn vị được soát xét;

(b) Các tình huống liên quan đến nội dung hoặc lịch trình công việc của kiểm toán viên; hoặc

(c) Các giới hạn do Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được soát xét đặt ra.

A10. Chuẩn mực này đưa ra các quy định và hướng dẫn cho kiểm toán viên khi kiểm toán viên bị giới hạn về phạm vi, trước khi chấp nhận hợp đồng, hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng soát xét.

Giải thích thuật ngữ

Sử dụng thuật ngữ “Ban Giám đốc”, “Ban quản trị”

A11. Trách nhiệm của Ban Giám đốc và Ban quản trị sẽ khác nhau tùy theo pháp luật quy định, theo các loại hình doanh nghiệp khác nhau và theo quy định của đơn vị. Sự khác biệt này ảnh hưởng đến cách thức mà kiểm toán viên áp dụng các quy định của Chuẩn mực này liên quan đến Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị. Theo đó, cụm từ “Ban Giám đốc” và “Ban quản trị” (trong phạm vi phù hợp) được sử dụng khác nhau trong Chuẩn mực này, nhằm mục đích nhắc nhở kiểm toán viên là mỗi doanh nghiệp khác nhau có thể có cơ cấu tổ chức khác nhau về Ban Giám đốc và Ban quản trị.

A12. Trách nhiệm liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính và thông tin tài chính của Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị tùy thuộc vào các yếu tố sau:

(1) Nguồn lực và cơ cấu tổ chức của đơn vị;

(2) Vai trò tương ứng của Ban Giám đốc và Ban quản trị trong đơn vị theo pháp luật và các quy định có liên quan nếu đơn vị không có quy định cụ thể hoặc theo cơ cấu tổ chức đã được phân công trách nhiệm trong đơn vị (ví dụ, đã được ghi rõ trong hợp đồng, điều lệ hoặc các loại tài liệu khác của đơn vị).

Ví dụ, trong các đơn vị nhỏ thường không có sự tách biệt giữa vai trò điều hành và vai trò giám sát. Trong đơn vị lớn, Ban Giám đốc thường chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh và báo cáo kết quả, trong khi đó, Ban quản trị chịu trách nhiệm giám sát việc điều hành hoạt động của Ban Giám đốc. Trong hầu hết các trường hợp, Ban Giám đốc chịu trách nhiệm lập và trình bày báo cáo tài chính theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, trường hợp khác, việc này là trách nhiệm của Ban quản trị.

Đảm bảo có giới hạn – Sử dụng thuật ngữ “đầy đủ bằng chứng thích hợp” (hướng dẫn đoạn 17(f) Chuẩn mực này)

A13. Để đạt được sự đảm bảo có giới hạn nhằm giúp kiểm toán viên đưa ra kết luận trên báo cáo soát xét, yêu cầu kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp. Bản chất của bằng chứng soát xét là mang tính tích lũy và được thu thập chủ yếu từ việc thực hiện các thủ tục trong suốt quá trình soát xét.

Thực hiện hợp đồng soát xét tuân thủ Chuẩn mực này (hướng dẫn đoạn 18 Chuẩn mực này)

A14. Chuẩn mực này không thay thế pháp luật và các quy định liên quan đến việc soát xét báo cáo tài chính. Trường hợp pháp luật và các quy định có các yêu cầu khác với yêu cầu của Chuẩn mực này mà việc soát xét chỉ được thực hiện theo yêu cầu của pháp luật và các quy định thì sẽ không được coi là tuân thủ Chuẩn mực này.

Chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp

A15. Phần A của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán quy định các nguyên tắc đạo đức cơ bản mà kiểm toán viên phải tuân thủ, đồng thời đưa ra khuôn khổ áp dụng các nguyên tắc đó. Các nguyên tắc đạo đức cơ bản bao gồm:

(a) Tính chính trực;

(b) Tính khách quan;

(c) Năng lực chuyên môn và tính thận trọng;

(d) Tính bảo mật;

(e) Tư cách nghề nghiệp.

Phần B Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán hướng dẫn việc áp dụng khuôn khổ quy định trong Phần A cho một số tình huống cụ thể. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cũng xác định và đưa ra các biện pháp bảo vệ phù hợp để loại trừ hoặc làm giảm các nguy cơ ảnh hưởng tới việc tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan của kiểm toán viên.

A16. Trường hợp thực hiện dịch vụ soát xét báo cáo tài chính, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán yêu cầu kiểm toán viên phải đảm bảo tính độc lập đối với đơn vị được soát xét. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán định nghĩa tính độc lập bao gồm độc lập về tư tưởng và độc lập về hình thức. Tính độc lập của kiểm toán viên đối với đơn vị được soát xét nhằm đảm bảo cho kiểm toán viên đưa ra kết luận mà không bị tác động bởi những yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc thay đổi kết luận đó. Tính độc lập sẽ làm tăng khả năng kiểm toán viên hành động một cách chính trực, khách quan và duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *