Kiểm soát chất lượng – Thực hiện cuộc kiểm toán

Thực hiện cuộc kiểm toán

Hướng dẫn, giám sát và thực hiện (hướng dẫn đoạn 15(a) Chuẩn mực này)

A13. Hướng dẫn cho nhóm kiểm toán thực hiện bằng việc thông báo cho từng thành viên của nhóm kiểm toán các vấn đề sau đây:

(1) Trách nhiệm của thành viên nhóm kiểm toán, gồm yêu cầu tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan, yêu cầu lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán với thái độ hoài nghi nghề nghiệp như quy định tại đoạn 15 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200;

(2) Trách nhiệm của từng thành viên Ban Giám đốc khi cuộc kiểm toán có sự tham gia của hơn một thành viên Ban Giám đốc;

(3) Mục tiêu của công việc kiểm toán;

(4) Tính chất ngành nghề kinh doanh của đơn vị được kiểm toán;

(5) Các vấn đề liên quan đến rủi ro;

(6) Các khó khăn có thể phát sinh;

(7) Các thủ tục kiểm toán chi tiết.

Việc thảo luận giữa các thành viên trong nhóm kiểm toán giúp các thành viên ít kinh nghiệm hơn đặt câu hỏi cho các thành viên nhiều kinh nghiệm, qua đó các thông tin có thể được trao đổi một cách thích hợp trong nhóm kiểm toán.

A14. Việc tổ chức làm việc theo nhóm và được đào tạo phù hợp có thể giúp các thành viên ít kinh nghiệm hiểu rõ hơn về mục đích và nội dung của công việc được giao.

A15. Giám sát cuộc kiểm toán bao gồm các việc sau:

(1) Theo dõi tiến độ của cuộc kiểm toán;

(2) Đánh giá năng lực chuyên môn và khả năng của từng thành viên nhóm kiểm toán, gồm việc đảm bảo từng thành viên có đủ thời gian thực hiện công việc, hiểu rõ các chỉ dẫn, và đảm bảo công việc được thực hiện theo các thủ tục kiểm toán đã đề ra;

(3) Giải quyết các vấn đề trọng yếu phát sinh trong cuộc kiểm toán, chú ý đến mức độ ảnh hưởng trọng yếu của vấn đề và điều chỉnh thủ tục kiểm toán một cách thích hợp;

(4) Xác định các vấn đề cần tham khảo ý kiến tư vấn hoặc cần các thành viên nhiều kinh nghiệm trong nhóm kiểm toán phải quan tâm trong suốt cuộc kiểm toán.

Soát xét

Trách nhiệm soát xét (hướng dẫn đoạn 16 Chuẩn mực này)

A16. Theo đoạn 33 Chuẩn mực kiểm soát chất lượng VSQC 1, các chính sách và thủ tục về trách nhiệm soát xét của doanh nghiệp kiểm toán phải được xác định dựa trên nguyên tắc các thành viên trong nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ có nhiều kinh nghiệm hơn thực hiện soát xét công việc của các thành viên ít kinh nghiệm hơn trong nhóm.

A17. Việc soát xét có thể bao gồm những nội dung sau:

(1) Công việc được thực hiện theo các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan;

(2) Các vấn đề trọng yếu được nêu ra để xem xét;

(3) Việc tham khảo ý kiến tư vấn đã được tiến hành hợp lý và các kết luận từ việc tham khảo đó đã được ghi lại và thực hiện;

(4) Sự cần thiết phải điều chỉnh nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán;

(5) Thủ tục kiểm toán thực hiện phù hợp với các kết luận đạt được và được ghi chép cẩn thận;

(6) Bằng chứng thu thập được đã đầy đủ và thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán;

(7) Mục tiêu của cuộc kiểm toán đã đạt được.

Công việc soát xét của thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán (hướng dẫn đoạn 17 Chuẩn mực này)

A18. Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán cần thực hiện soát xét kịp thời từng giai đoạn của cuộc kiểm toán để giải quyết kịp thời và thỏa đáng các vấn đề trọng yếu phát sinh ngay trong quá trình kiểm toán cũng như tại ngày hoặc trước ngày lập báo cáo kiểm toán. Các nội dung cần soát xét gồm:

(1) Các vấn đề quan trọng đòi hỏi phải xét đoán, đặc biệt là các vấn đề phức tạp hoặc dễ gây tranh cãi được phát hiện trong cuộc kiểm toán;

(2) Các rủi ro đáng kể;

(3) Các vấn đề khác mà thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán xác định là quan trọng.

Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán không cần soát xét tất cả hồ sơ kiểm toán, trừ khi thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định tại đoạn 09(c) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 230, thành viên Ban Giám đốc phải ghi lại rõ phạm vi và thời gian thực hiện soát xét.

A19. Trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán, nếu thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán được thay thế một thành viên Ban Giám đốc khác đã phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán thì thành viên mới này có thể áp dụng các thủ tục hướng dẫn tại đoạn A18 Chuẩn mực này để soát xét công việc đã thực hiện tới ngày thay thế để đảm đương trách nhiệm của một thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán.

Lưu ý khi sử dụng một thành viên trong nhóm kiểm toán có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực riêng biệt liên quan đến kế toán, kiểm toán (hướng dẫn đoạn 15 – 17 Chuẩn mực này)

A20. Khi sử dụng một thành viên trong nhóm kiểm toán có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực riêng biệt liên quan đến kế toán, kiểm toán thì việc hướng dẫn, giám sát và soát xét công việc của thành viên đó gồm:

(1) Thống nhất với thành viên đó về nội dung, phạm vi và mục tiêu công việc cần thực hiện và vai trò của thành viên đó với các thành viên còn lại trong nhóm kiểm toán cũng như nội dung, lịch trình và phạm vi trao đổi thông tin giữa thành viên đó với các thành viên còn lại;

(2) Đánh giá mức độ đầy đủ của công việc mà thành viên đó thực hiện bao gồm tính phù hợp và hợp lý của các phát hiện hoặc kết luận mà thành viên đó đưa ra và sự nhất quán của các phát hiện hoặc kết luận đó với các bằng chứng kiểm toán khác.

Tham khảo ý kiến tư vấn (hướng dẫn đoạn 18 Chuẩn mực này)

A21. Việc tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia trong hoặc ngoài doanh nghiệp kiểm toán về các vấn đề quan trọng liên quan đến kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp, các vấn đề khác sẽ có hiệu quả khi những chuyên gia tư vấn này:

(1) Được cung cấp tất cả thông tin phù hợp để có thể đưa ra ý kiến tư vấn;

(2) Có kiến thức, thâm niên và kinh nghiệm phù hợp.

A22. Nhóm kiểm toán có thể tham khảo ý kiến tư vấn từ bên ngoài doanh nghiệp kiểm toán nếu doanh nghiệp kiểm toán không có nguồn lực nội bộ thích hợp. Nhóm kiểm toán có thể sử dụng dịch vụ tư vấn của doanh nghiệp kiểm toán khác, tổ chức nghề nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước hoặc các chuyên gia độc lập cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng phù hợp.

Soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán

Hoàn thành việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán trước ngày lập báo cáo kiểm toán (hướng dẫn đoạn 19(c) Chuẩn mực này)

A23. Đoạn 41 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700 quy định ngày lập báo cáo kiểm toán không được trước ngày mà kiểm toán viên thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính. Trường hợp kiểm toán báo cáo tài chính của tổ chức niêm yết hoặc khi cuộc kiểm toán có những điều kiện đòi hỏi phải thực hiện việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán thì việc soát xét này sẽ hỗ trợ kiểm toán viên xác định xem đã thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp hay chưa.

A24. Thực hiện soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán kịp thời theo từng giai đoạn của cuộc kiểm toán giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề trọng yếu, đáp ứng yêu cầu của người soát xét việc kiểm soát chất lượng tại ngày hoặc trước ngày lập báo cáo kiểm toán.

A25. Hoàn thành việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán có nghĩa là người soát xét việc kiểm soát chất lượng thực hiện đầy đủ các quy định tại đoạn 20 – 21 và tuân thủ quy định tại đoạn 22 Chuẩn mực này, nếu cần thiết. Hồ sơ ghi chép việc soát xét kiểm soát chất lượng có thể được hoàn thành tại ngày hoặc ngay sau ngày lập báo cáo kiểm toán, như một phần của hồ sơ kiểm toán cuối cùng. Đoạn 14 – 16 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 230 đã quy định về vấn đề này.

Nội dung, phạm vi và lịch trình thực hiện việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán (hướng dẫn đoạn 20 Chuẩn mực này)

A26. Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán cần nhận biết kịp thời các thay đổi trong quá trình kiểm toán để phát hiện các tình huống yêu cầu thực hiện việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán, mặc dù vào thời điểm bắt đầu cuộc kiểm toán thì yêu cầu này chưa được xác định là cần thiết.

A27. Phạm vi của việc soát xét kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như độ phức tạp của cuộc kiểm toán, đơn vị được kiểm toán là tổ chức niêm yết và rủi ro đưa ra ý kiến kiểm toán không phù hợp. Soát xét việc kiểm soát chất lượng không làm giảm bớt trách nhiệm của thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán và việc thực hiện cuộc kiểm toán.

Soát xét việc kiểm soát chất lượng đối với cuộc kiểm toán tổ chức niêm yết (hướng dẫn đoạn 21 Chuẩn mực này)

A28. Những vấn đề khác liên quan đến việc đánh giá các xét đoán quan trọng của nhóm kiểm toán có thể được xem xét trong quá trình soát xét việc kiểm soát chất lượng đối với cuộc kiểm toán tổ chức niêm yết, gồm:

(1) Các rủi ro đáng kể phát hiện trong cuộc kiểm toán theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315, và các biện pháp được nhóm kiểm toán áp dụng theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330, kể cả đánh giá của nhóm kiểm toán và các biện pháp xử lý đối với rủi ro có gian lận theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 240;

(2) Các xét đoán được đưa ra, đặc biệt là mức trọng yếu và rủi ro đáng kể;

(3) Mức độ ảnh hưởng và xu hướng các sai sót đã được điều chỉnh và chưa được điều chỉnh phát hiện trong cuộc kiểm toán;

(4) Các vấn đề được trao đổi với Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (trong phạm vi phù hợp) và các bên khác như cơ quan quản lý.

Các vấn đề nêu trên phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, cũng có thể áp dụng cho soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị khác.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *