Ngày phê duyệt báo cáo tài chính

Ngày phê duyệt báo cáo tài chính

A2. Tại một số nước, pháp luật và các quy định chỉ rõ các cá nhân hoặc tổ chức (ví dụ, Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị) chịu trách nhiệm đưa ra kết luận về việc tất cả các báo cáo cấu thành nên báo cáo tài chính, kể cả các thuyết minh có liên quan, đã được lập, đồng thời quy định quy trình phê duyệt cần thiết. Tại một số nước khác, pháp luật và các quy định không quy định quy trình phê duyệt và đơn vị thực hiện quy trình lập và hoàn thành báo cáo tài chính theo cơ cấu quản lý và quản trị của mình. Tại một số nước, báo cáo tài chính chính thức phải được các cổ đông phê duyệt. Trong trường hợp này, kiểm toán viên không phụ thuộc vào việc phê duyệt chính thức của các cổ đông để kết luận rằng đã thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính. Theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế, ngày phê duyệt báo cáo tài chính là ngày sớm hơn giữa ngày mà những người có thẩm quyền phê duyệt xác định rằng tất cả các báo cáo cấu thành nên báo cáo tài chính, kể cả các thuyết minh có liên quan, đã được lập và ngày mà những người có thẩm quyền phê duyệt xác nhận chịu trách nhiệm đối với báo cáo tài chính đó.

Ngày ký báo cáo kiểm toán

A3. Ngày ký báo cáo kiểm toán không được sớm hơn ngày mà kiểm toán viên đã thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính, kể cả bằng chứng về việc tất cả các báo cáo cấu thành nên báo cáo tài chính, kể cả các thuyết minh có liên quan, đã được lập và những người có thẩm quyền phê duyệt đã xác nhận chịu trách nhiệm đối với báo cáo tài chính đó[8]. Theo đó, ngày ký báo cáo kiểm toán không thể sớm hơn ngày phê duyệt báo cáo tài chính theo quy định tại đoạn 5(b). Do các thủ tục hành chính, có thể có khoảng cách thời gian giữa ngày ký báo cáo kiểm toán theo định nghĩa ở đoạn 5(c) và ngày báo cáo kiểm toán được phát hành cho đơn vị.

Ngày công bố báo cáo tài chính

A4. Ngày công bố báo cáo tài chính thường phụ thuộc vào môi trường pháp lý của đơn vị. Trong một số trường hợp, ngày công bố báo cáo tài chính có thể là ngày báo cáo tài chính được nộp cho cơ quan quản lý. Vì báo cáo tài chính được kiểm toán phải được công bố kèm theo báo cáo kiểm toán nên báo cáo tài chính được kiểm toán phải được công bố cùng ngày hoặc sau ngày ký báo cáo kiểm toán, đồng thời phải cùng ngày hoặc sau ngày báo cáo kiểm toán được phát hành cho đơn vị.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công

A5. Đối với đơn vị trong lĩnh vực công, ngày công bố báo cáo tài chính có thể là ngày mà báo cáo tài chính được kiểm toán và báo cáo kiểm toán được nộp cho cơ quan quản lý hoặc công bố cho công chúng.

Các sự kiện phát sinh từ ngày kết thúc kỳ kế toán đến ngày ký báo cáo kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn 6-9)

A6. Dựa trên đánh giá rủi ro của kiểm toán viên, các thủ tục kiểm toán quy định tại đoạn 6 có thể bao gồm các thủ tục cần thiết để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, như việc soát xét hoặc kiểm tra tài liệu, sổ kế toán hoặc các giao dịch phát sinh giữa ngày kết thúc kỳ kế toán và ngày ký báo cáo kiểm toán. Các thủ tục kiểm toán quy định tại đoạn 6 và 7 được bổ sung cho những thủ tục mà kiểm toán viên có thể thực hiện vì mục đích khác, tuy nhiên những thủ tục này có thể cung cấp bằng chứng về sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán (ví dụ, để thu thập bằng chứng kiểm toán về số dư tài khoản tại ngày khóa sổ kế toán, như các thủ tục kiểm tra chia cắt niên độ hay các thủ tục liên quan tới các khoản phải thu đã thu được tiền sau ngày kết thúc kỳ kế toán).

A7. Đoạn 7 quy định những thủ tục kiểm toán mà kiểm toán viên phải thực hiện để đạt được các yêu cầu của đoạn 6. Tuy nhiên, những thủ tục mà kiểm toán viên thực hiện đối với các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán có thể phụ thuộc vào các thông tin sẵn có, và đặc biệt là phụ thuộc vào các tài liệu, sổ kế toán đã được lập sau ngày kết thúc kỳ kế toán. Nếu đơn vị chưa ghi chép đầy đủ kịp thời sổ kế toán, không lập báo cáo tài chính giữa niên độ (cho mục đích nội bộ hay bên ngoài), hoặc không lập các biên bản họp của Ban Giám đốc hay Ban quản trị thì những thủ tục kiểm toán thích hợp có thể được thực hiện theo hình thức kiểm tra các tài liệu đã có, kể cả sổ phụ ngân hàng. Đoạn A8 đưa ra ví dụ về một số vấn đề mà kiểm toán viên có thể cân nhắc thêm trong quá trình phỏng vấn.

A8. Ngoài các thủ tục kiểm toán theo quy định tại đoạn 7, kiểm toán viên có thể thấy cần thực hiện các thủ tục khác phù hợp như:

· Đọc bảng dự toán gần nhất của đơn vị được kiểm toán, kế hoạch về luồng tiền và các báo cáo quản trị có liên quan cho các kỳ sau ngày kết thúc kỳ kế toán;

· Phỏng vấn, hoặc mở rộng nội dung từng phỏng vấn bằng lời hoặc bằng văn bản đối với chuyên gia tư vấn pháp luật của đơn vị về các vụ kiện tụng và bồi thường; hoặc

· Cân nhắc sự cần thiết phải thu thập giải trình bằng văn bản về một số sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán để hỗ trợ các bằng chứng kiểm toán khác và để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *