Nguyên tắc kế toán loại trừ khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con

Nguyên tắc kế toán loại trừ khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con trong giao dịch hợp nhất kinh doanh đạt được quyền kiểm soát qua một lần mua

1. Trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất, giá trị ghi sổ của khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con và phần sở hữu của công ty mẹ trong giá trị hợp lý của tài sản thuần của công ty con tại ngày mua phải được loại trừ hoàn toàn, theo nguyên tắc:

– Công ty mẹ phải ghi nhận tài sản, nợ phải trả của công ty con theo giá trị hợp lý tại ngày mua;

– Công ty mẹ phải ghi nhận riêng rẽ phần sở hữu của cổ đông không kiểm soát trong phần chênh lệch giữa giá trị hợp lý và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con tại ngày mua.

– Công ty mẹ ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả đối với các tài sản, nợ phải trả của công ty con có giá trị hợp lý cao hơn giá trị ghi sổ; Ghi nhận tài sản thuế hoãn lại đối với các tài sản, nợ phải trả của công ty con có giá trị hợp lý nhỏ hơn giá trị ghi sổ;

– Trường hợp sau ngày mua, công ty con khấu hao, thanh lý, nhượng bán hoặc thanh toán những tài sản và nợ phải trả đã được ghi nhận theo giá trị hợp lý thì phần chênh lệch giữa giá trị hợp lý và giá trị ghi sổ của các khoản mục tài sản, nợ phải trả tại ngày mua tương ứng với phần sở hữu của công ty mẹ được coi là đã thực hiện và được ghi nhận trực tiếp vào khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối”.

2. Khoản lợi thế thương mại hoặc khoản lãi phát sinh từ giao dịch mua rẻ trong quá trình mua công ty con (nếu có) được ghi nhận đồng thời khi loại trừ khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con. Trường hợp sau khi nắm giữ quyền kiểm soát tại công ty con, công ty mẹ tiếp tục mua thêm tài sản thuần của công ty con từ các cổ đông không kiểm soát để nâng tỷ lệ sở hữu thì thực hiện như sau:

– Nếu giá phí khoản đầu tư thêm lớn hơn giá trị ghi sổ của tài sản thuần được mua thì phần chênh lệch được điều chỉnh trực tiếp làm giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

– Nếu giá phí khoản đầu tư thêm nhỏ hơn giá trị ghi sổ của tài sản thuần được mua thì phần chênh lệch được điều chỉnh trực tiếp làm tăng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Trường hợp này là dấu hiệu của sự tổn thất lợi thế thương mại tại, công ty mẹ phải đánh giá tổn thất, nếu giá trị tổn thất lớn hơn số phân bổ định kỳ thì phải ghi giảm lợi thế thương mại theo số tổn thất.

– Trường hợp công ty mẹ đầu tư thêm vào công ty con do công ty con huy động thêm vốn từ các chủ sở hữu thì thực hiện theo quy định tại Điều 54 Thông tư này.

3. Các biến động làm thay đổi vốn chủ sở hữu của công ty con phát sinh sau ngày mua, như: Biến động của các quỹ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá (nếu có) không được loại trừ ra khỏi Bảng cân đối kế toán hợp nhất.

4. Trường hợp công ty con sử dụng thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phát sinh sau ngày mua để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, khi loại trừ khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con, công ty mẹ ghi nhận giá trị phần vốn đầu tư của chủ sở hữu (của công ty con) tăng thêm (tương ứng với phần công ty mẹ được hưởng) vào chỉ tiêu vốn khác của chủ sở hữu.

Đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nếu pháp luật quy định phải ghi nhận doanh thu đối với khoản cổ tức bằng cổ phiếu thì phải ghi giảm khoản doanh thu cổ tức bằng cổ phiếu đã được ghi nhận.

5. Đối với các công ty mẹ được cổ phần hoá từ công ty Nhà nước, khi xác định giá trị doanh nghiệp, công ty mẹ phải đánh giá lại giá trị các khoản đầu tư vào công ty con. Khoản chênh lệch giữa giá trị ghi sổ khoản đầu tư của công ty mẹ và phần sở hữu của công ty mẹ trong vốn chủ sở hữu của công ty con (nếu có) được trình bày vào chỉ tiêu “Chênh lệch đánh giá lại tài sản” của Bảng cân đối kế toán hợp nhất.

6. Trường hợp cơ cấu vốn chủ sở hữu của công ty con tại ngày mua có sự thay đổi (do phân phối lợi nhuận sau thuế tại ngày mua, sử dụng thặng dư vốn cổ phần, các quỹ tại ngày mua để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu) thì khi loại trừ giá trị ghi sổ khoản đầu tư vào công ty con, kế toán phải xác định lại phần sở hữu của công ty mẹ trong từng chỉ tiêu thuộc vốn chủ sở hữu của công ty con tại ngày mua để thực hiện bút toán loại trừ một cách thích hợp.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *