Thử nghiệm cơ bản tiếp theo xử lý rủi ro đáng kể

Thử nghiệm cơ bản tiếp theo để xử lý rủi ro đáng kể

A102. Khi kiểm toán các ước tính kế toán làm phát sinh rủi ro đáng kể, các thử nghiệm cơ bản tiếp theo của kiểm toán viên được tập trung vào việc đánh giá các nội dung sau:

(a) Cách thức Ban Giám đốc đánh giá ảnh hưởng của sự không chắc chắn trong ước tính kế toán và ảnh hưởng có thể có của sự không chắc chắn đó đến tính phù hợp của việc ghi nhận các ước tính kế toán trong báo cáo tài chính; và

(b) Tính đầy đủ của các thuyết minh liên quan.

Sự không chắc chắn trong ước tính

Việc Ban Giám đốc xem xét sự không chắc chắn trong ước tính (Tham chiếu: Đoạn 15(a))

A103. Ban Giám đốc có thể đánh giá các giả định hoặc kết quả khác của các ước tính kế toán bằng một số phương pháp, tùy theo hoàn cảnh. Một trong các phương pháp đó là phương pháp phân tích độ nhạy, bao gồm việc đánh giá xem các giá trị bằng tiền của một ước tính kế toán thay đổi thế nào với các giả định khác nhau. Các ước tính kế toán được đo lường theo giá trị hợp lý vẫn có thể có dao động vì các bên tham gia thị trường sẽ sử dụng những giả định khác nhau. Phương pháp phân tích độ nhạy có thể dẫn đến việc hình dung ra một số viễn cảnh về kết quả, đôi khi được gọi là khoảng kết quả của Ban Giám đốc, ví dụ viễn cảnh “bi quan” hay “lạc quan”.

A104. Phương pháp phân tích độ nhạy có thể cho thấy một ước tính kế toán không nhạy cảm với thay đổi của một số giả định cụ thể, hoặc chỉ nhạy cảm với một hoặc một số giả định mà kiểm toán viên sẽ phải tập trung chú ý vào các giả định này.

A105. Hướng dẫn này không nhằm mục đích khuyến nghị rằng phương pháp để xử lý sự không chắc chắn trong ước tính này (như phương pháp phân tích độ nhạy) là thích hợp hơn so với phương pháp kia, hay khuyến nghị Ban Giám đốc cần phải xem xét các giả định hoặc kết quả khác bằng một quy trình chi tiết và lưu lại văn bản cụ thể. Hướng dẫn này chỉ tập trung vào việc xác định xem liệu Ban Giám đốc đã đánh giá sự không chắc chắn có thể ảnh hưởng đến các ước tính kế toán quan trọng hay chưa, mà không quan trọng cách thức thực hiện đánh giá như thế nào. Do đó, khi Ban Giám đốc chưa xem xét các giả định hoặc kết quả khác, kiểm toán viên có thể cần thảo luận với Ban Giám đốc và yêu cầu cung cấp bằng chứng về việc Ban Giám đốc đã giải quyết ảnh hưởng của sự không chắc chắn đến các ước tính kế toán như thế nào.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ

A106. Các đơn vị nhỏ có thể sử dụng các phương tiện đơn giản để đánh giá sự không chắc chắn trong ước tính. Bên cạnh việc soát xét các tài liệu có sẵn, kiểm toán viên có thể phỏng vấn Ban Giám đốc để thu thập thêm các bằng chứng kiểm toán khác về việc Ban Giám đốc xem xét các giả định hoặc kết quả khác. Ngoài ra, Ban Giám đốc có thể không có chuyên môn để xem xét các kết quả khác hay để đánh giá sự không chắc chắn trong các ước tính kế toán. Trong trường hợp đó, kiểm toán viên có thể giải thích cho Ban Giám đốc về quy trình hoặc các phương pháp đánh giá khác nhau và cách thức ghi chép và lưu lại hồ sơ tài liệu liên quan. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi trách nhiệm của Ban Giám đốc đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính.

Các giả định quan trọng (Tham chiếu: Đoạn 15(b))

A107. Một giả định được sử dụng để lập ước tính kế toán có thể được coi là quan trọng nếu một thay đổi hợp lý trong giả định đó có thể ảnh hưởng trọng yếu đến việc đo lường ước tính kế toán.

A108. Đối với các giả định quan trọng được xây dựng dựa vào kiến thức của Ban Giám đốc, kiểm toán viên có thể thu thập bằng chứng để chứng minh cho các giả định này từ quy trình quản lý rủi ro và phân tích chiến lược của Ban Giám đốc. Ngay cả khi đơn vị không có một quy trình chính thức, ví dụ trong trường hợp các đơn vị nhỏ, kiểm toán viên cũng có thể đánh giá các giả định thông qua việc thảo luận và phỏng vấn Ban Giám đốc, kết hợp với các thủ tục kiểm toán khác để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp.

A109. Khi đánh giá các giả định của Ban Giám đốc, kiểm toán viên cần thực hiện các hướng dẫn tại đoạn A77-A83.

Dự định và khả năng của Ban Giám đốc (Tham chiếu: Đoạn 15(c))

A110. Khi xem xét các giả định, các dự định và khả năng của Ban Giám đốc, kiểm toán viên cần thực hiện các hướng dẫn tại đoạn A13 và đoạn A80.

Xây dựng khoảng giá trị ước tính (Tham chiếu: Đoạn 16)

A111. Khi lập báo cáo tài chính, Ban Giám đốc có thể hài lòng về việc đã xử lý thỏa đáng các ảnh hưởng của sự không chắc chắn trong các ước tính kế toán làm phát sinh rủi ro đáng kể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kiểm toán viên có thể cho rằng những nỗ lực của Ban Giám đốc là chưa đủ, ví dụ khi:

· Kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp thông qua việc đánh giá cách thức Ban Giám đốc xử lý ảnh hưởng của sự không chắc chắn trong ước tính.

· Kiểm toán viên vẫn cần phải tìm hiểu thêm về mức độ không chắc chắn của một ước tính kế toán, ví dụ khi kiểm toán viên nhận thấy có sự dao động lớn về kết quả của các ước tính kế toán trong những trường hợp tương tự.

· Kiểm toán viên không thu thập được bằng chứng kiểm toán khác thông qua việc soát xét các sự kiện phát sinh đến ngày ký báo cáo kiểm toán.

· Có thể có dấu hiệu cho thấy Ban Giám đốc có sự thiên lệch khi lập các ước tính kế toán.

A112. Khi xem xét việc xác định khoảng giá trị ước tính, kiểm toán viên cần thực hiện các hướng dẫn tại đoạn A87-A95.

Tiêu chí ghi nhận và đo lường

Ghi nhận các ước tính kế toán trong báo cáo tài chính (Tham chiếu: Đoạn 17(a))

A113. Khi Ban Giám đốc đã ghi nhận một ước tính kế toán trong báo cáo tài chính, kiểm toán viên cần tập trung đánh giá xem việc đo lường ước tính kế toán đó có đủ đáng tin cậy để đáp ứng tiêu chí ghi nhận của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.

A114. Với những ước tính kế toán chưa được ghi nhận trong báo cáo tài chính, kiểm toán viên cần tập trung đánh giá xem các tiêu chí ghi nhận của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng đã được đáp ứng hay chưa. Ngay cả khi một ước tính kế toán chưa được ghi nhận và kiểm toán viên kết luận rằng điều đó là hợp lý, có thể vấn cần thuyết minh về các tình huống đó trong thuyết minh báo cáo tài chính. Kiểm toán viên cũng có thể thấy cần thu hút sự chú ý của người sử dụng báo cáo kiểm toán đối với sự không chắc chắn đáng kể, bằng cách trình bày thêm đoạn “Nhấn mạnh vấn đề” trong báo cáo kiểm toán. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 706[23] quy định và hướng dẫn cách trình bày đoạn “Nhấn mạnh vấn đề”.

Cơ sở đo lường của các ước tưính kế toán (Tham chiếu: Đoạn 17(b))

A115. Với các ước tính kế toán về giá trị hợp lý, một số khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính quy định rằng việc có thể đo lường giá trị hợp lý một cách tin cậy là điều kiện tiên quyết đối với việc yêu cầu hoặc cho phép ghi nhận và thuyết minh theo giá trị hợp lý. Trong một số trường hợp, điều kiện này có thể được bỏ qua, ví dụ khi không có phương pháp hay cơ sở đo lờng phù hợp. Trong những trường hợp như vậy, kiểm toán viên phải tập trung đánh giá liệu cơ sở của việc Ban Giám đốc quyết định bỏ qua điều kiện tiên quyết liên quan đến việc sử dụng giá trị hợp lý theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có phù hợp hay không.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *