Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan

Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan

11. Khi thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan trong quá trình kiểm toán theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 315 và Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240[7], kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán và các hoạt động liên quan được nêu trong các đoạn 12-17 Chuẩn mực này để thu thập thông tin có liên quan tới việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan (Tham chiếu: Đoạn A8).

Hiểu biết về các mối quan hệ và giao dịch của đơn vị được kiểm toán với các bên liên quan

12. Việc thảo luận của nhóm kiểm toán theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 315 và Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240[8] phải lưu ý đến khả năng báo cáo tài chính có thể có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn bắt nguồn từ các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan của đơn vị được kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A9-A10).

13. Kiểm toán viên phải phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về:

(a) Các bên liên quan của đơn vị, kể cả các thay đổi từ kỳ trước (Tham chiếu: Đoạn A11-A14);

(b) Bản chất các mối quan hệ giữa đơn vị và các bên liên quan này;

(c) Các giao dịch với các bên liên quan này phát sinh trong kỳ (nếu có) và hình thức, mục đích các giao dịch đó.

14. Kiểm toán viên phải phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán, các cá nhân khác trong đơn vị và thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro khác được coi là phù hợp để tìm hiểu về các kiểm soát, nếu có, đã được Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán thiết lập để (Tham chiếu: Đoạn A15-A20):

(a) Xác định, hạch toán và thuyết minh các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng;

(b) Cho phép và phê duyệt những giao dịch và thỏa thuận quan trọng với các bên liên quan (Tham chiếu: Đoạn A21);

(c) Cho phép và phê duyệt những hợp đồng và giao dịch quan trọng ngoài hoạt động kinh doanh thông thường.

Duy trì sự cảnh giác đối với thông tin về các bên liên quan khi soát xét sổ kế toán hoặc tài liệu

15. Trong quá trình kiểm toán, khi kiểm tra sổ kế toán và tài liệu, kiểm toán viên phải duy trì sự cảnh giác đối với các thỏa thuận hoặc thông tin khác có thể cho thấy sự tồn tại của các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán chưa xác định hoặc thông báo cho kiểm toán viên trước đó (Tham chiếu: Đoạn A22-A23).

Đặc biệt, kiểm toán viên phải kiểm tra các tài liệu sau đây để tìm ra dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán chưa xác định hoặc thông báo cho kiểm toán viên trước đó:

(a) Các xác nhận của ngân hàng hoặc xác nhận có giá trị pháp lý thu được từ kết quả của các thủ tục kiểm toán;

(b) Biên bản các cuộc họp cổ đông và biên bản họp Ban quản trị;

(c) Các sổ sách hoặc tài liệu khác mà kiểm toán viên cho là cần thiết trong từng trường hợp cụ thể của đơn vị được kiểm toán.

16. Khi thực hiện các thủ tục kiểm toán theo quy định tại đoạn 15 hoặc thông qua các thủ tục kiểm toán khác, nếu phát hiện ra các giao dịch quan trọng ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị thì kiểm toán viên phải phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về (Tham chiếu: Đoạn A24- A25):

(a) Bản chất của các giao dịch này (Tham chiếu: Đoạn A26);

(b) Việc tham gia của các bên liên quan vào các giao dịch này (Tham chiếu: Đoạn A27).

Trao đổi thông tin về các bên liên quan với nhóm kiểm toán

17. Kiểm toán viên phải trao đổi thông tin thu thập được về các bên liên quan của đơn vị được kiểm toán với các thành viên khác của nhóm kiểm toán (Tham chiếu: Đoạn A28).

Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan

18. Để xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 315,[9] kiểm toán viên phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan và xác định xem có rủi ro nào trong số đó là rủi ro đáng kể hay không. Để xác định được điều này, kiểm toán viên phải coi các giao dịch quan trọng với các bên liên quan đã được xác định ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị là các giao dịch làm phát sinh rủi ro đáng kể.

19. Khi thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan gắn với các bên liên quan, nếu xác định được yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận (kể cả trường hợp tồn tại một bên liên quan có ảnh hưởng chi phối) thì kiểm toán viên phải xem xét thông tin đó khi xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 240 (Tham chiếu: Đoạn A6 và A29- A30).

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *