Vai trò của các thành viên chính trong cuộc kiểm toán

Vai trò của các thành viên chính trong cuộc kiểm toán

05. Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán và các thành viên chính trong nhóm kiểm toán phải tham gia vào quá trình lập kế hoạch kiểm toán, bao gồm lập kế hoạch và thảo luận với các thành viên khác trong nhóm kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A4 Chuẩn mực này).

Các thủ tục ban đầu của cuộc kiểm toán

06. Khi bắt đầu cuộc kiểm toán năm hiện tại, kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục sau đây (hướng dẫn tại đoạn A5 – A7 Chuẩn mực này):

(a) Thực hiện các thủ tục đối với việc chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và hợp đồng kiểm toán cụ thể theo quy định tại đoạn 12 – 13 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220;

(b) Đánh giá việc tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, bao gồm tính độc lập theo quy định tại đoạn 09 – 11 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220;

(c) Hiểu về các điều khoản của hợp đồng kiểm toán theo quy định tại đoạn 09 – 13 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 210.

Thủ tục lập kế hoạch kiểm toán

07. Kiểm toán viên phải xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể để xác định phạm vi, lịch trình, định hướng của cuộc kiểm toán và để làm cơ sở lập kế hoạch kiểm toán.

08. Trong việc xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể, kiểm toán viên phải (xem hướng dẫn tại đoạn A8 – A11 Chuẩn mực này):

(a) Xác định đặc điểm của cuộc kiểm toán nhằm xác định phạm vi kiểm toán;

(b) Xác định mục tiêu báo cáo của cuộc kiểm toán nhằm thiết lập lịch trình kiểm toán và yêu cầu trao đổi thông tin;

(c) Xem xét các yếu tố mà theo xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên là có vai trò quan trọng trong việc xác định công việc trọng tâm của nhóm kiểm toán;

(d) Xem xét kết quả của các thủ tục ban đầu của cuộc kiểm toán cũng như những hiểu biết mà thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán đã thu được từ việc cung cấp các dịch vụ trước đây cho đơn vị được kiểm toán đó có phù hợp với cuộc kiểm toán này không;

(e) Xác định nội dung, lịch trình và phạm vi các nguồn lực cần thiết để thực hiện cuộc kiểm toán.

09. Kiểm toán viên phải xây dựng kế hoạch kiểm toán, bao gồm:

(a) Nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục đánh giá rủi ro theo quy định và hướng dẫn tại Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315;

(b) Nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo ở cấp độ cơ sở dẫn liệu theo quy định và hướng dẫn tại Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330;

(c) Các thủ tục kiểm toán bắt buộc khác để đảm bảo cuộc kiểm toán tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (xem hướng dẫn tại đoạn A12 Chuẩn mực này).

10. Khi cần thiết, kiểm toán viên phải cập nhật và điều chỉnh chiến lược kiểm toán tổng thể và kế hoạch kiểm toán trong suốt quá trình thực hiện cuộc kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A13 Chuẩn mực này).

11. Kiểm toán viên phải xác định nội dung, lịch trình, phạm vi trong việc chỉ đạo, giám sát các thành viên trong nhóm kiểm toán và soát xét công việc của họ (xem hướng dẫn tại đoạn A14 – A15 Chuẩn mực này).

Tài liệu, hồ sơ kiểm toán

12. Theo quy định tại đoạn 08 – 11 và hướng dẫn tại đoạn A6 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 230, kiểm toán viên phải lưu vào hồ sơ kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A16 – A19 Chuẩn mực này):

(a) Chiến lược kiểm toán tổng thể;

(b) Kế hoạch kiểm toán;

(c) Bất kỳ thay đổi quan trọng nào liên quan đến chiến lược kiểm toán tổng thể, kế hoạch kiểm toán và lý do của những thay đổi đó.

Thủ tục bổ sung khi kiểm toán năm đầu tiên

13. Khi bắt đầu một cuộc kiểm toán năm đầu tiên, kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục sau đây (xem hướng dẫn tại đoạn A20 Chuẩn mực này):

(a) Thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chấp nhận khách hàng và cuộc kiểm toán cụ thể theo quy định tại đoạn 12 – 13 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220;

(b) Trao đổi với kiểm toán viên tiền nhiệm khi có sự thay đổi doanh nghiệp kiểm toán, nhằm tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan.

 

Share this post

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *